Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Nai, có tổng diện tích gần 78,3 nghìn ha diện tích trồng cây ăn trái. Trong đó, tổng diện tích cây chuối cấy mô trên địa bàn tỉnh đạt gần 16,7 ngàn ha, sản lượng hơn 186,7 ngàn tấn; diện tích sầu riêng hơn 12,6 ngàn ha, sản lượng 53,2 ngàn tấn; chôm chôm hơn 9 ngàn ha, sản lượng gần 153 ngàn tấn; xoài hơn 11,5 ngàn ha, sản lượng gần 63 ngàn tấn...
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách nhằm nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng theo chuẩn cây ăn trái chính ngạch, tăng lợi thế cạnh tranh cho cây ăn trái chủ lực.
Với gần 16,7 ngàn ha đất trồng chuối, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu. |
Hiện toàn tỉnh Đồng Nai đã được các nước nhập khẩu cấp 18 mã vùng trồng và 7 mã cơ sở đóng gói chuối, sầu riêng đi thị trường Trung Quốc. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 39 vùng trồng nội địa, quy mô 410 hécta, 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với quy mô gần 28.000 hécta. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Úc, New Zealand...
Đặc biệt Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích trồng chuối cấy mô xuất khẩu. Tỉnh có nhiều vùng chuyên canh cây chuối có truyền thống trồng lâu năm, nông dân giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Đặc biệt, một số địa phương của tỉnh có diện tích chuối lớn như Trảng Bom, Thống Nhất là vùng đất đồi, đất đá nhưng lại rất phù hợp cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Nông dân trồng chuối giàu kinh nghiệm và cũng mạnh dạn đầu tư về cây giống, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất…
Đặc biệt, khu vực KTTT, HTX đang là một trong những thành phần đóng góp lớn vào sản lượng cây ăn trái trên địa bàn. Hiện, nhiều hợp tác xã hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả cao.
Hiện toàn tỉnh có có 13 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng đối với cây chuối, sầu riêng, chôm chôm, xoài vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzealand với tổng diện tích được cấp mã vùng trồng là 694 ha. Đơn cử như HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) hiện đang là một trong những HTX nổi tiếng trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực xuất khẩu trái chuối tươi và các sản phẩm làm từ cây chuối.
Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX cho hay, hơn 4 năm trở lại đây, HTX đã và đang xuất khẩu một số lượng chuối lớn vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Trung Đông, Trung Quốc…
Riêng với trái chuối, ngoài việc xuất bán chuối tươi, HTX Thanh Bình còn chế biến sâu, tạo ra sản phẩm trái chuối và nhiều loại trái cây sấy khô... phục vụ nhu cầu thị trường.
"Tính đến nay, HTX đã liên kết với nhiều hộ nông dân với khoảng 800ha chuối để mở rộng phạm vi xuất khẩu vì lượng đơn hàng, khách hàng của HTX ngày càng nhiều”, ông Hùng nói.
Năm 2023, tổng sản lượng chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt gần 121 ngàn tấn, giá trị gần 1,5 ngàn tỉ đồng; xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, mang lại 50 triệu USD... Để nâng cao năng suất, năm 2024, tỉnh đã nhân rộng được 74 mô hình sản xuất nông nghiệp, thêm hơn 3,1 nghìn ha với các mô hình thâm canh cây trồng, sản xuất theo VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm...
Định hướng trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục xây dựng vùng trồng cây ăn trái tập trung, phát triển bền vững theo hướng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gia tăng giá trị bằng các giải pháp như phát triển vùng sản xuất gắn với quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí logistics. Đầu tư sâu hơn về giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu bệnh.
Hồng Hương