Tiêu điểm

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới liệu có chậm lại?


Các số liệu GDP mới nhất của Ấn Độ đã đưa ra một bức tranh đáng lo ngại cho viễn cảnh nền kinh tế sắp tới của quốc gia này.

Mới đây, các số liệu về GDP của Ấn Độ đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế phải đặt ra câu hỏi về viễn cảnh tăng trưởng của quốc gia này trong tương lai gần. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, nền kinh tế Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất trong bảy quý qua, đạt 5,4%. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với dự báo 7% mà Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã đưa ra trước đó.

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng này vẫn được xem là mạnh mẽ so với các nền kinh tế phát triển, nhưng nó báo hiệu sự suy giảm rõ rệt của nền kinh tế Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh những kỳ vọng lớn về Ấn Độ như một “ngôi sao sáng” của tăng trưởng toàn cầu.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã giữ nguyên lãi suất trong gần hai năm qua. Ảnh: AFP

Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã giữ nguyên lãi suất trong gần hai năm qua. Ảnh: AFP

Nguyên nhân do đâu?

Các nhà kinh tế đã đưa ra một loạt lý do giải thích cho sự chậm lại của nền kinh tế Ấn Độ. Trước hết, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang suy yếu, một yếu tố vốn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những năm qua. Thêm vào đó, đầu tư tư nhân không có dấu hiệu phục hồi dù đã trì trệ trong suốt một thời gian dài. Một yếu tố nữa đó là lĩnh vực đầu tư Chính phủ, vốn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ trong những năm gần đây cũng đã phải giảm bớt chi tiêu do chuẩn bị cho các cuộc bầu cử.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ tiếp tục gặp khó khăn, với tỷ trọng chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong năm 2023. Các công ty trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang ghi nhận doanh số bán hàng yếu, trong khi bảng lương của các công ty niêm yết cũng đã giảm trong quý vừa qua.

Ngay cả Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cơ quan trước đây rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của quốc gia, cũng phải điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng xuống còn 6,6% cho năm tài chính 2024-2025, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.

Theo nhà kinh tế Rajeshwari Sengupta: "Sau khi công bố các số liệu GDP mới nhất, mọi chuyện dường như đang đổ vỡ. Nhưng thực ra, điều này đã tích tụ từ lâu. Rõ ràng là nền kinh tế đang chậm lại và có một vấn đề nghiêm trọng về nhu cầu".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman lại có một cái nhìn tích cực hơn về tình hình kinh tế hiện tại. Bà cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng này không phải là một tín hiệu khủng hoảng, mà là hệ quả của việc giảm chi tiêu Chính phủ trong quý tập trung vào bầu cử. Bà kỳ vọng, sự suy giảm này sẽ được bù đắp bởi tăng trưởng mạnh mẽ trong quý tư của năm tài chính.

Bà Sitharaman cũng nhấn mạnh rằng, Ấn Độ vẫn có thể giữ vững vị trí là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm tiền lương trì trệ, ảnh hưởng tiêu cực từ sự giảm tốc của nhu cầu toàn cầu và những gián đoạn trong ngành nông nghiệp do biến đổi khí hậu.

Lạm phát và lãi suất cao

Một trong những vấn đề lớn đang được các chuyên gia kinh tế chú ý là việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ duy trì lãi suất cao trong suốt thời gian qua. Mặc dù chính sách này nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng nó đang trở thành một yếu tố kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng, lãi suất cao đang làm tăng chi phí vay không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với người tiêu dùng, dẫn đến việc giảm cả đầu tư và tiêu dùng - hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Trong gần hai năm qua, RBI đã duy trì lãi suất ở mức cao do lạm phát tiếp tục tăng mạnh. Số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở Ấn Độ đã lên tới 6,2% vào tháng 10, vượt qua mục tiêu 4% mà Ngân hàng trung ương Ấn Độ đặt ra và là mức cao nhất trong vòng 14 tháng. Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do giá thực phẩm, vốn chiếm khoảng một nửa tỉ giá tiêu dùng tăng mạnh, đặc biệt là giá rau quả đã tăng hơn 40% trong tháng 10. Thực phẩm đắt đỏ không chỉ làm tăng chi phí sinh hoạt mà còn đẩy lạm phát cơ bản lên cao.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có thể không phải là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngay lập tức. Theo Himanshu, một nhà kinh tế phát triển tại Đại học Jawaharlal Nehru ở Delhi cho rằng: "Hạ lãi suất sẽ không giúp thúc đẩy tăng trưởng nếu nhu cầu tiêu dùng không mạnh. Nhà đầu tư chỉ vay và đầu tư khi có nhu cầu thực sự và điều đó hiện nay vẫn chưa xảy ra".

Trong khi đó, Shaktikanta Das, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ vẫn tin rằng "câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ vẫn vững chắc", ông cho rằng "cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng đang được duy trì tốt".

Một điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế Ấn Độ là tín dụng bán lẻ đạt mức cao kỷ lục, cùng với sự gia tăng các khoản vay không đảm bảo, cho thấy người dân vẫn vay tiền tiêu dùng dù lãi suất cao. Tuy nhiên, nhu cầu từ khu vực đô thị lại đang suy yếu, trong khi nhu cầu từ khu vực nông thôn lại có dấu hiệu sáng sủa hơn, nhờ vào một mùa mưa tốt và giá lương thực cao.

Theo bà Sengupta, cuộc khủng hoảng hiện nay là hệ quả của việc nền kinh tế Ấn Độ đang vận hành theo "hai tốc độ", một tốc độ phát triển nhanh ở khu vực mới và một tốc độ chậm hơn ở khu vực cũ. Kinh tế cũ, bao gồm các ngành công nghiệp truyền thống, nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, dường như thiếu động lực tăng trưởng mạnh mẽ.

Cải cách và triển vọng dài hạn

Nhiều nhà phê bình cho rằng, việc Ấn Độ quá tập trung vào câu chuyện "nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới" đã làm chậm lại các cải cách cần thiết để thúc đẩy đầu tư, xuất khẩu và tạo việc làm. Theo bà Sengupta: "Chúng ta vẫn là một quốc gia nghèo. GDP bình quân đầu người của chúng ta chưa đến 3.000 USD, trong khi Mỹ là 86.000 USD. Nếu bạn nói chúng ta tăng trưởng nhanh hơn họ, điều đó không có ý nghĩa gì cả".

Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng cần được cải thiện. Đó là lý do tại sao sự hoài nghi vẫn còn. “Không có quốc gia nào tham vọng trong thời gian dài như vậy mà không thực hiện các bước đủ để hiện thực hóa tham vọng đó. Trong khi đó, các tiêu đề nói về thời đại và thập kỷ của Ấn Độ, tôi đang chờ điều đó trở thành hiện thực”, bà Sengupta nói.

Chính phủ Ấn Độ vẫn lạc quan về câu chuyện ngân hàng mạnh, dự trữ ngoại hối dồi dào, tài chính ổn định và tình trạng nghèo cùng cực đã giảm. Cố vấn kinh tế trưởng V. Anantha Nageswaran cho rằng không nên diễn giải quá mức các con số GDP gần đây. “Chúng ta không nên vứt bỏ tất cả chỉ vì một số liệu, vì câu chuyện tăng trưởng cơ bản vẫn vững chắc”, ông nói tại một cuộc họp gần đây.

Việc thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng sẽ không dễ dàng trong ngắn hạn. Thiếu đầu tư tư nhân, Himanshu đề xuất tăng lương thông qua các chương trình việc làm do Chính phủ điều hành để tăng thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng. Những người khác, như bà Sengupta ủng hộ việc giảm thuế nhập khẩu và thu hút các khoản đầu tư xuất khẩu đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc.

 

 

 
Tác giả: Trung Thắng
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật