|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Được tôn vinh vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua, 32 gương thanh niên nông thôn tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2022 là 32 câu chuyện khởi nghiệp khác nhau. Nhưng họ đều đã truyền cảm hứng cùng động lực cho nhiều người trẻ về khát vọng và nỗ lực làm giàu từ nông nghiệp, trên chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Nguyễn Đăng Thiên Phi Long - đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2022
Anh Nguyễn Đăng Thiên Phi Long - đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2022
 
Tận dụng những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng,… và sự thấu hiểu về chính nơi mà mình sinh ra, lớn lên, những nhà nông trẻ xuất sắc được vinh danh năm nay không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn có nhiều đóng góp cho địa phương và cộng đồng.
 
Tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2022, Nguyễn Lê Ngọc Linh - cô gái người dân tộc Thổ đến từ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa có nhiều cơ hội để chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp xanh của mình. Linh cũng là 1 trong 2 thanh niên dân tộc thiểu số được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay. Cô cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi.
 
Với Dự án Vườn rừng Bản Thổ, cô gái sinh năm 1990 đã nỗ lực không mệt mỏi trong suốt những năm qua trong hành trình bỏ phố về quê để tìm kiếm giải pháp về nông nghiệp bền vững, biến đồi trọc thành vườn rừng xanh tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài các loại cây trồng, Vườn rừng Bản Thổ còn liên kết với bà con nuôi ong tại các bìa rừng, lấy mật từ nguồn nguyên liệu sạch. Đến nay, dự án của Linh được nhiều người biết đến và ủng hộ, cô cũng được tiếp đón nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. 
 
Là đại diện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng vinh dự được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay, anh Nguyễn Đăng Thiên Phi Long (sinh năm 1992, Giám đốc Công ty TNHH Finom) lại mang đến câu chuyện tìm kiếm cơ hội tại quê hương để phát triển. Sau nhiều năm học tập, làm việc, cùng với kinh nghiệm học hỏi được tại các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, năm 2018, anh Long thành lập Công ty TNHH Finom chuyên cung cấp giải pháp nông nghiệp; sản xuất, cung cấp giá thể phục vụ trồng trọt. Hiện nay, công ty của anh đã cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao bao gồm hệ thống tưới, nhà màng, nhà phơi nông sản, hệ thống bảo quản và phân loại nông sản cho các doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp như: Dalat Hasfarm, Phong Thúy, VinEco, Thành Thành Công,… và xuất khẩu sang thị trường Malaysia.
 
Dành lời khuyên cho các bạn trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp, anh Long chia sẻ: “Sau 5 năm trở về, tôi nhận thấy Lâm Đồng là mảnh đất “màu mỡ”, có nhiều cơ hội chưa được khai thác. Cho nên nếu chúng ta biết nắm bắt cơ hội, cũng như chuẩn bị nguồn lực và kiến thức thì các bạn hoàn toàn có thể tạo ra các mô hình khởi nghiệp không chỉ mang lại giá trị cho bản thân, gia đình, mà còn mang lại nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội tại địa phương”.
 
Câu chuyện của Linh, của Long là 2 trong hơn 2.050 câu chuyện khởi nghiệp mà Giải thưởng Lương Định Của đã kết nối qua 17 lần tổ chức. Những thanh niên nông thôn được tuyên dương với ý chí, nghị lực, trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã phát huy truyền thống, sáng tạo vượt qua khó khăn, chủ động ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi cá nhân là một điển hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong nông nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai gây khó khăn lớn đến phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.
 
Trong 32 gương thanh niên được trao Giải thưởng Lương Định Của năm 2022, gồm 1 gương thanh niên có mô hình kinh tế đạt doanh thu 706 tỷ đồng; 3 thanh niên có doanh thu từ 10 - 30 tỷ đồng; 28 thanh niên có doanh thu từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Anh Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đoàn khẳng định: “32 gương thanh niên được tôn vinh sẽ là lực lượng xung kích, lan tỏa, là người truyền cảm hứng cho thanh niên trên cả nước”.
 
Tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2022, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng cho ra mắt Mạng lưới đại biểu “Lương Định Của”, kết nối tất cả các gương thanh niên đã từng đạt giải thưởng trong những năm vừa qua và những năm tới. Thông qua mạng lưới này, các thanh niên có cơ hội để tương trợ, gắn kết với nhau trong phát triển doanh nghiệp của mình.
 
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ thêm: Tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là TP Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các bạn thanh niên nông thôn trong tỉnh phát triển kinh tế từ nông nghiệp, ngay tại quê hương mình. Rất nhiều tấm gương của tỉnh Lâm Đồng được nhận Giải thưởng Lương Định Của trong những năm qua đã chứng minh cho sự thành công đó.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết