Trợ lực giúp ngành chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai tăng tốc
Tỉnh Đồng Nai cung ứng nguồn thịt dồi dào cho các địa phương lân cận, đặc biệt là các địa phương phát triển ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Chăm sóc đàn lợn nái. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Đồng Nai là địa phương phát triển lĩnh vực chăn nuôi đi đầu cả nước, cung ứng lượng lớn thịt lợn và thịt gà cho người tiêu dùng cả nước, đó là chưa kể đến lượng thịt được xuất khẩu sang thị trường khó tính như thị trường Nhật Bản.
Với những điều đạt được, tỉnh Đồng Nai có nhiều chiến lược đưa ngành chăn nuôi đi đầu cả nước.
Lượng thịt dồi dào và chất lượng
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, ước tính đến tháng 9/2022, không tính lợn con chưa tách mẹ, tổng đàn lợn hiện khoảng 2,56 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với khoảng 1.198 trang trại; chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 10% tổng đàn với 6.285 hộ; đàn lợn của các doanh nghiệp chiếm gần 41% tổng đàn (khoảng trên 1 triệu con).
Trong số đó, đàn lợn của các doanh nghiệp FDI chiếm gần 97% (khoảng 968.000 con) với 557 trang trại.
Bên cạnh đó, tổng đàn gà của tỉnh Đồng Nai hiện nay khoảng 26,1 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 360 trang trại, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn, với khoảng 18.305 hộ; đàn gà của các doanh nghiệp chiếm 41,9% tổng đàn (gần 11 triệu con), với 289 trang trại.
Tổng đàn của doanh nghiệp FDI chiếm 76,5% (khoảng 7,65 triệu con) với 182 trang trại.
Với tổng đàn này, tỉnh Đồng Nai cung ứng nguồn thịt dồi dào cho các địa phương lân cận, đặc biệt là các địa phương phát triển ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác mạnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, chia sẻ tỉnh Đồng Nai hiện đang phát triển đàn gà lớn hơn.
Sản lượng đàn gia cầm tăng khá là do thị trường tiêu thụ ổn định và gần đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt gà các dịp lễ tăng.
Hơn nữa, khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi.
Việc kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín ở các trang trại nuôi gà tập trung ở các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ… nên các trang trại đã chủ động tăng đàn.
Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phân loại sản phẩm thịt gia cầm trước khi đưa đi tiêu thụ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tỉnh triển khai công tác khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-Food với 781 trang trại đăng kí tham gia.
Để tạo ra nguồn thịt dồi dào, chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay của người tiêu dùng, các trang trại chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi.
Các trang trại ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, hiện nay trên 90% trang trại chăn nuôi sử dụng hệ thống máng ăn, nước uống tự động và bán tự động; có 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, chia sẻ.
Ngoài việc cung ứng nguồn thịt chất lượng cho thị trường nội địa, tỉnh Đồng Nai cũng đã có nguồn thịt gà chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tỉnh Đồng Nai tiếp tục duy trì, mở rộng quy mô đối với 52 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn, với sự tham gia của 15 hợp tác xã, 252 tổ hợp tác, tiêu biểu như chuỗi thịt gà chế biến, xuất khẩu của Công ty TNHH Koyu & Unitek. Bình quân doanh nghiệp này xuất khẩu 250 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản.
Đại diện Công ty Koyu & Unitek cho biết, tín hiệu thị trường Nhật Bản đang rất tốt, hiện nay khách đặt công ty sản lượng gà chế biến lên tới 2.000 tấn mỗi tháng, trong khi nhà máy chỉ có công suất 300 tấn/tháng.
Thị trường Nhật Bản cũng đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu thịt gà, sau Trung Quốc và Nga.
Ngoài thị trường Nhật Bản, công ty Koyu & Unitek đang có kế hoạch xuất khẩu thịt gà sang Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc cũng thích ăn gà nhập khẩu hơn là gà nuôi nội địa. Ngoài ra, Koyu & Unitek còn dự kiến xuất đi các nước châu Âu.
Nhiều chính sách phát triển
Với lợi thế số lượng trang trại chăn nuôi và tổng đàn lớn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phát huy thế mạnh, có nhiều chính sách trợ lực cho ngành chăn nuôi phát triển.
Ông Nguyễn Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho biết phát triển chăn nuôi là ngành kinh tế chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm là sản phẩm chủ lực (lợn, gà).
Đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều Chính sách khuyến khích ngành chăn nuôi như Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai về Quy định nội dung, mức hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 3659/QĐ-UBND ngày 12/11/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai về công bố địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 về việc sửa đổi khoản 3 Điều 1 Quyết định số 3659/QĐ-UBND ngày 12/11/2019…
Phát triển chăn nuôi chất lượng cao đồng nghĩa với việc đảm bảo môi trường sản xuất cũng an toàn, từ đó mới tạo được uy tín và thế cạnh tranh trên thị trường.
Chính vì vậy, ngành chăn nuôi Đồng Nai xử lý chất thải chăn nuôi IB bằng nhiều phương pháp sinh học như sử dụng hệ thống xử lý chất thải bằng Biogas hoặc đệm lót sinh học.
Ngoài ra, có một số trang trại chăn nuôi sử dụng máy ép phân để xử lý chất thải chăn nuôi.
Hiện nay gần 90 % trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải.
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi kiểm soát tốt môi trường chăn nuôi, sức khỏe vật nuôi mà còn mang lại giá trị như tận dụng sản phẩm sau biogas làm phân bón cho cây trồng, khí thải từ quá trình xử lý để chạy máy phát điện, làm khí đốt… phục vụ sản xuất góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và phục vụ sinh hoạt gia đình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết thêm.
Bên cạnh những chính sách trợ lực cho ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đẩy mạnh công tác truyền thông (tuyên truyền, tập huấn, tọa đàm, phát tờ rơi…) nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong việc thực hiện hoạt động sản xuất chăn nuôi theo đúng quy định của pháp luật nói chung và trong công tác xây dựng vùng, cơ sở ATDB.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn OIE đối với bệnh cúm gia cầm, newcastle trên đàn gia cầm tại các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom…/.