“Bơm” tín dụng cho nông dân, giúp nông nghiệp đô thị TP.HCM tăng tốc
Nhằm tháo nút thắt về nguồn vốn vay tín dụng, khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, TP.HCM đã triển khai chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ một phần lãi suất lãi cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Theo Sở NNPTNT, từ năm 2006 đến nay, thành phố đã triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (chính sách hỗ trợ lãi vay) - là cơ chế đặc thù của thành phố, có tác động rõ rệt.
"Bơm" tín dụng cho nông dân
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, người dân vùng nông thôn thành phố rất quan tâm thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách xác định ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi vay, từ đó chủ động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Qua đánh giá tình hình thực hiện cho vay tại các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu cho vay thực hiện chính sách thấp. Doanh nghiệp, hộ dân tham gia vay vốn đầu tư đúng mục đích.
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ năm 2011 đến nay, đã có 24.634 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 13.896 tỷ đồng.
Trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi vay hơn 8.435 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư là 564 triệu đồng/phương án (hộ nghèo là 86 triệu đồng/phương án) và vốn vay là 342 triệu đồng/phương án (hộ nghèo là 44 triệu đồng/phương án).
Tổng kinh phí ngân sách giải ngân hỗ trợ lãi vay đến hết thời gian phê duyệt phương án hơn 949 tỷ đồng. Tổng số lao động (việc làm) tạo ra thông qua các phương án sản xuất được hỗ trợ lãi vay cho là 61.218 lao động. Trong đó, 6.315 lao động là đối tượng hộ nghèo.
Qua kiểm tra thực tế các phương án được hỗ trợ từ chính sách này cho thấy, chính sách góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả, như lúa, mía sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần.
"Nâng cấp" Nghị quyết 10
Tuy nhiên, Nghị quyết số 10 và Nghị quyết số 06 đã hết hiệu lực. Do đó, theo Sở NNPTNT TP.HCM, việc tiếp tục hỗ trợ một phần lãi vay cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Sở NNPTNT đang xây dựng cơ chế, chính sách về việc tiếp tục vận dụng, sửa đổi, bổ dung một số nội dung theo Nghị quyết số 10.
Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ nâng hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP từ 3 sao trở lên; sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp sạch và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thành phố hỗ trợ đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; ký kết hợp đồng thuê đất phục vụ sản xuất nông nghiệp với người dân có đất nhưng không còn khả năng lao động.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ đầu tư sản xuất rau, hoa, cây kiểng, cá cảnh; bò sữa (con giống, sữa) từ 15 con trở lên; bò thịt từ 10 con trở lên; heo (con giống, thịt) từ 50 con trở lên; tôm nước lợ; nuôi trồng thủy sản.
Đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác theo phụ lục danh mục đối tượng, địa bàn, thời gian hỗ trợ lãi vay; ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch sinh thái; ký kết hợp đồng thuê đất phục vụ sản xuất nông nghiệp với người dân có đất nhưng không còn khả năng lao động...