|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

''Điểm tựa'' của nông dân

Bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, Quỹ hỗ trợ nông dân đã trở thành “điểm tựa” giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

​​​​​​
Với diện tích lớn và có nguồn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nông dân xã Triệu Hải phát triển trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập ổn định
Với diện tích lớn và có nguồn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nông dân xã Triệu Hải phát triển trồng dâu nuôi tằm, cho thu nhập ổn định
 
Năm 2019, xã Đạ Kho là một trong những địa phương của huyện Đạ Tẻh được tiếp nhận nguồn vốn vay với 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân từ Trung ương cho 35 hộ tại địa phương vay. Căn cứ theo nhu cầu đăng ký của hội viên ở các chi hội trong xã, Hội Nông dân xã Đạ Kho đã họp bàn bình xét, lựa chọn các hộ cho vay để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Tiêu chí bình xét là ưu tiên các hộ có lao động và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay, mỗi hộ được vay 20 - 50 triệu đồng trong thời hạn 2 năm. 
 
Theo ông Nguyễn Mệnh Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Kho, trong thời gian qua, ngoài tạo điều kiện cho bà con vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội còn định hướng phát triển sản xuất cho các hộ vay vốn dựa trên thế mạnh của từng chi hội; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi và vận động hội viên tham gia. Cán bộ Hội Nông dân xã cùng với chi hội trưởng chi hội nông dân các thôn tham gia giám sát các khâu cho vay bảo đảm đúng quy trình; đồng thời thăm và đánh giá mô hình kinh tế của các hộ vay vốn, tránh tình trạng đầu tư kém hiệu quả hoặc nợ quá hạn. Phần lớn Quỹ hỗ trợ nông dân cho người dân vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ những diện tích điều già cỗi sang diện tích trồng dâu nuôi tằm.
 
Là người tiên phong mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích lớn, ông Lê Hồng Khanh (Thôn 9) cho biết, ông bắt đầu trồng dâu nuôi tằm từ năm 2018, khi thấy nhiều người nuôi tằm thu được giá trị kinh tế cao. Trước đó, ông chủ yếu đi làm thuê và trồng điều, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Hiện tại, với 1,5 ha dâu, với giá bán trung bình khoảng 100 nghìn đồng mỗi kg kén, hàng tháng, ông Khanh thu được khoảng 20 triệu đồng. 
 
Thu nhập ổn định, công việc chủ động, ông Khanh có thêm thời gian và nguồn kinh phí để phát triển mô hình kinh tế trong gia đình bằng việc trồng thêm diện tích bưởi da xanh, sầu riêng. “Trước đây, phần lớn người dân chưa biết đến cây dâu, hoặc có nhiều người biết nhưng chưa mạnh dạn đầu tư với diện tích lớn. Sau khi được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn, bà con phấn khởi vay với lãi suất thấp, mạnh dạn đầu tư để phát triển diện tích trồng dâu trên địa bàn” - ông Khanh cho hay.
 
Tương tự, tại xã Triệu Hải, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân được phát huy hiệu quả với 15 hội viên được vay để phát triển trồng dâu nuôi tằm tại địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Hải cho hay, từ năm 2019, Hội được phân bổ về 470 triệu đồng để giúp đỡ hội viên trồng dầu nuôi tằm, đầu tư nhà tằm. “Cho đến thời điểm hiện tại, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích điều già cỗi sang trồng dâu. Với nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, mỗi người sẽ được vay từ 20 - 30 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế và đến nay, toàn xã có 142,5 ha diện tích dâu tằm với mức thu nhập ổn định”.
 
Phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cơ sở hội trong huyện tiếp tục ký nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên việt PostBank cho 1.927 hội viên nông dân vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, đã tiến hành thu hồi 2,4 tỷ đồng/10 dự án với 94 hộ vay; giải ngân 6,160 tỷ đồng/21 dự án với 213 lượt hộ vay. Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Đạ Tẻh quản lý là gần 5 tỷ đồng.
 
Ông Trần Hùng Cường, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh cho biết: Từ nguồn vốn các cấp hội trong toàn huyện đã vận động và nhận ủy thác, cộng với nguồn vốn Tỉnh hội thực hiện đề án trồng dâu nuôi tằm đã phát huy hiệu quả. Theo đó, nguồn vốn được quản lý tốt và sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Phương thức cho vay của Quỹ thực hiện theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, cùng kinh doanh một loại sản phẩm để phát huy tính liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân. 
 
“Để nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, thời gian tới, Hội Nông dân huyện và cấp cơ sở tiếp tục lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi để triển khai thực hiện; vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ ở cơ sở cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác giúp nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Đồng thời, tập huấn hướng dẫn nông dân vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đảm bảo sinh lợi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng hiệu quả quỹ… Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho các hội viên nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Cường thông tin thêm.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết