“Ôm” 400 tấn cá quá lứa vì thiếu... hóa đơn bán lẻ
Khoảng 400 tấn cá lồng bè, gồm cá chim, cá bớp… ở làng nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang rơi vào tình cảnh không tiêu thụ được chỉ vì không có hóa đơn bán lẻ, nông dân đang đứng ngồi không yên.
Bán cá lồng bè phải có hóa đơn
Anh Lâm Văn Thắng - chủ 100 lồng bè nuôi cá ở làng cá lồng bè xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) than thở chưa bán được con cá hường nào. "Mình là hộ nuôi, không thể ra hóa đơn, lại không có phương tiện vận chuyển nên thương lái không chịu mua cá"- anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Thắng, thương lái cho biết, vì cá bán vào hệ thống siêu thị nên siêu thị cần hóa đơn xuất bán. Hiện, anh Thắng còn gần 20 tấn cá hường, cá chim tới lứa nhưng chưa bán được. Ngoài ra, anh Thắng còn nuôi tôm hùm và những loại cá khác trong lồng. Tôm đang sắp tới lứa bán.
Hiện, các hộ nuôi cá nước ngọt tại xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) đang bị tồn 78 tấn cá nước ngọt các loại. Cụ thể: cá rô đầu vuông tồn 30 tấn, giá bán 30.000 đồng/kg; liên hệ số điện thoại 0974414095, 0379417570. Cá lóc sản lượng tồn 40 tấn, 1-2 con/kg, giá bán 55.000 đồng/kg; liên hệ 0985894215. Cá rô phi, cá chép, cá chim... tồn 8 tấn, giá bán tùy loại từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; liên hệ 0906880518.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hoàng - chủ nuôi gần 100 lồng cá bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn) cũng cho biết, không thể bán cá vì không xuất được hóa đơn. Không thể bán sỉ cho thương lái, anh Hoàng chuyển sang bán lẻ cá cho bạn hàng.
"Bán kiểu này chỉ được số ít. Mỗi ngày, tôi bán được hơn 100 con cá chim và chục con cá bớp"- anh Hoàng cho biết.
Theo ông Nguyễn Công Biên - Giám đốc Công ty Ánh Châu Thành Đạt, một đơn vị đang nuôi cá lồng bè ở xã Long Sơn, cả làng cá lồng bè xã Long Sơn chỉ có mỗi đơn vị ông là có hóa đơn xuất bán cá.
Thời gian qua, mỗi ngày, Công ty Á Châu Thành Đạt bán ra được 1 tấn cá chim, bớp, hồng vỹ.
"Bây giờ hầu hết cá lồng bè đều bán vào hệ thống siêu thị qua thương lái. Thương lái sẽ đòi người bán xuất hóa đơn. Trong khi hầu hết bà con nuôi thủy sản lồng bè nhỏ lẻ, hộ cá thể nên bán cá không được vì không có hóa đơn xuất bán"-ông Biên thổ lộ.
Cũng theo ông Biên, không chỉ không thể xuất hóa đơn, các hộ nuôi cá lồng bè cũng không có phương tiện vận chuyển cá đến nơi tiêu thụ - một điều kiện cần có khi bán buôn với siêu thị hiện nay.
Giá cá lồng bè cao, khó bán
Theo ông Trần Văn Mảng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có khoảng 400 tấn cá lồng bè trên địa bàn tỉnh chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Mảng, việc sản lượng cá lồng bè tồn đọng còn do giá cá bán ra quá cao.
"Thời buổi kinh tế khó khăn do dịch Covid-19, nếu muốn tiêu thụ cá lồng bè mà các hộ nuôi vẫn giữ giá bán như bình là không thể"- ông Mảng chia sẻ. Cũng theo ông Mảng, chính vì điều này mà Hội Nông dân các cấp kết nối cung cầu cho cá lồng bè không thành công.
Trong khi đó, anh Lâm Văn Thắng bộc bạch, không thể bán giá cá lồng bè thấp hơn vì sẽ thua lỗ, vì đây là những loại cá đặc sản. Nếu cá lồng bè không bán được thì để nuôi tiếp.
Tuy nhiên, theo ông Biên, việc cá lồng bè khi tới lứa không bán được nếu để nuôi tiếp không chỉ tốn kém thêm thức ăn, mà còn chịu rủi ro môi trường. Đặc biệt, với cá chim nếu tới lứa bán không được để nuôi tiếp cá sẽ vượt cỡ. Lúc bán, cá chim sẽ mất giá, khó bán.
"Cá chim khi đạt cỡ 1,4kg/con là bán tốt nhất. Nếu vượt qua cỡ này rất khó bán, giá lại thấp"- ông Biên cho biết.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 500 cơ sở nuôi cá lồng bè với sản lượng hàng năm hơn 1.500 tấn. Số hộ nuôi cá lồng bè chủ yếu ở hai địa phương là TP.Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ.