|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Thủ phủ” nghề làm hải sản khô Gành Hào vào mùa Tết

Thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu không chỉ được biết đến với nghề khai thác hải sản phát triển mạnh mà còn là một trong những “thủ phủ” làm khô ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng là lúc không khí làm khô ở đây trở nên nhộn nhịp hơn. Các cơ sở sản xuất tất bật chuẩn bị mặt hàng khô truyền thống phục vụ Tết. Nắng to, gió nhiều được xem là yếu tố thuận lợi đối với nghề làm khô.

 

“Thu phu” nghe lam hai san kho Ganh Hao vao mua Tet hinh anh 1

Khô được sắp xếp trên các vỉ sau đó mang ra phơi nắng tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát.

Đến làng khô Gành Hào những ngày này, không khí lao động thật khẩn trương, tất bật. Mỗi người một công việc, từ thu mua, xẻ ướp, phơi nắng, cân, đến đóng gói mang đi tiêu thụ. Tuy vất vả nhưng ai cũng vui, chăm chỉ làm việc với hy vọng có thu nhập khá, đón Tết tươm tất, đủ đầy.

Gắn bó nghề làm khô hơn 20 năm, bà Nguyễn Thị Mộng Tuyền, Chủ cơ sở sản xuất khô Mộng Tuyền ở ấp 1, thị trấn Gành Hào cho biết, nghề làm khô diễn ra quanh năm nhưng sôi động nhất vẫn là phục vụ thị trường Tết nguyên đán. Cần mẫn, tỉ mỉ đảo từng con cá khô trong cái nắng chang chang, bà Tuyền chia sẻ, cứ trước Tết khoảng hai tháng là thời điểm bắt đầu vào mùa khô phục vụ Tết. Mỗi người có những kỹ thuật và kinh nghiệm làm khô khác nhau nhưng với bà Tuyền, để khô đạt chất lượng, qua các công đoạn từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình.

“Thu phu” nghe lam hai san kho Ganh Hao vao mua Tet hinh anh 2

Nghề làm khô tuy vất vả, nhưng mang lại thu nhập khá cao, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: TTXVN phát.

Theo ông Đặng Văn Kiểm, chủ vựa khô ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, nghề làm khô mang lại thu nhập tương đối cao, giúp người dân phát triển kinh tế. Làm khô phục vụ thị trường Tết khá phong phú, bên cạnh mặt hàng khô muối mặn như: tôm khô, khô cá khoai, khô mực, khô cá lù đù… nhiều vựa còn chế biến thêm mặt hàng khô ướp gia vị khác nhau như cá chỉ đường, cá da bò, cá đuối… Nhờ quan tâm giữ vững chất lượng, các sản phẩm khô như khô cá lưỡi trâu, khô cá đuối, khô cá lù đù, cá khoai, khô mực, tôm khô… được thị trường rất ưa chuộng.

Năm nay, dự kiến làng khô Gành Hào sản xuất trên 40 tấn khô phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Trong đó, chủ yếu là cung cấp theo đơn đặt hàng của vựa khô ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Bạc Liêu.

“Thu phu” nghe lam hai san kho Ganh Hao vao mua Tet hinh anh 3

Nắng to, gió nhiều là yếu tố thời tiết thuận lợi đối với nghề làm khô. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều chủ cơ sở sản xuất khô ở thị trấn Gành Hào chia sẻ, do tình hình khai thác hải sản thời gian qua gặp khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu khan hiếm nên giá khô tăng nhưng không nhiều.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, nhờ hương vị thơm ngon, giá hợp lý nên nhiều năm qua, đặc sản khô Gành Hào được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khô Gành Hào còn tiêu thụ mạnh khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo ông Nguyễn Trọng Hán, với gần 40 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi năm, các cơ sở sản xuất khô thị trấn Gành Hào cung ứng cho thị trường trên 500 tấn các loại.

“Thu phu” nghe lam hai san kho Ganh Hao vao mua Tet hinh anh 4

Cá sau khi xẻ ướp được mang ra phơi nắng tự nhiên. Ảnh: TTXVN phát

Nhằm nâng cao giá trị khô Gành Hào, thời gian qua, UBND huyện Đông Hải chỉ đạo phòng chức năng phối hợp cùng các sở, ngành trong tỉnh tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP, nâng cao giá trị khô Gành Hào. Đây được xem là giải pháp giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nhiều sản phẩm khô Gành Hào được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như, tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo…

Khô Gành Hào lâu nay hiện diện trong nhiều bữa ăn của gia đình, là món ăn không thể thiếu với người dân Nam Bộ dịp Tết Nguyên đán. Nghề làm khô tại thị trấn Gành Hào không chỉ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động ở địa phương mà còn góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị khai thác hải sản. Tự hào về nghề làm khô của quê hương mình, người dân làng cá khô thị trấn Gành Hào luôn chú trọng làm ra những mặt hàng ngon, chất lượng. Chính vì vậy, khô Gành Hào luôn được người tiêu dùng tín nhiệm, thương hiệu cũng vì vậy ngày càng vươn xa.

Tuấn Kiệt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin