|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm no, thoát nghèo nhờ cây mắc ca

Nhờ cây mắc ca, nhiều người M’nông ở vùng biên giới xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Thậm chí, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ngày càng khá giả.

Từ thay đổi tập quán canh tác

Về bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực, vào những tháng cuối năm hoa mắc ca đang nở rộ. Hai bên đường vào bon, những rẫy mắc ca xanh mướt nối nhau xa tít tầm mắt… Đường vào bon nhộn nhịp xe cộ, người qua lại hối hả với công việc của mình.

Sau một ngày làm việc, già Điểu Rây, Trưởng bon Bu P'răng 1, thư thái ngồi nhâm nhi ly rượu bên những đứa con trong gia đình. Ông nhớ lại, người dân trong bon trước kia hầu hết là hộ nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu từ việc đi phát nương trồng lúa và đi làm thuê.

Thế nhưng, rẫy lúa năng suất ngày một thấp dần, không đủ ăn. Còn đi làm thuê cũng không đủ trang trải cuộc sống. Cái nghèo, cái khổ vì thế cứ đeo bám bon làng.

"Cả một quãng thời gian dài, với nhiều thế hệ người M’nông ở Bu P'răng 1 sống với nương rẫy, với lối canh tác truyền thống và với cái nghèo đói", già Điểu Rây nhớ lại.

Ông P'lao và niềm vui bên vườn mắc ca trĩu quả

Thế rồi chính quyền địa phương đã bắt tay vào cuộc giúp bon làng thay đổi cách làm ăn. Năm 2012, ngành Nông nghiệp và huyện Tuy Đức đã triển khai Dự án hỗ trợ giống mắc ca, phân bón cho người dân Bu P'răng 1.

Cán bộ kỹ thuật của dự án đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cầm tay chỉ việc và theo sát từng thời kỳ cây phát triển để giúp bà con chăm sóc cây trồng. Già Điểu Rây nhớ lại, thời điểm đó, nhiều người không nhận trồng cây mắc ca, vì phải chờ quá lâu mới có thu nhập. Bà con chỉ nghĩ đến trồng lúa để duy trì cái ăn sau mỗi vụ thu hoạch. Chuyện chạy ăn từng bữa đã trở thành phản xạ của người dân trong bon làng. Nó khiến cuộc sống của họ trở nên cơ cực.

Theo ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, thời điểm đó, để người dân triển khai trồng mắc ca, các cấp chính quyền, cùng tổ chức đoàn thể đã phải đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục và cầm tay chỉ việc.

Nhờ sự bám sát của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, từ 2012 - 2015, khoảng 300 ha mắc ca được trồng tại Bu P'răng 1. Mặc dù vậy việc thay đổi tập quán canh tác của bà con sang làm quen với cách chăm sóc loại cây trồng này cũng phải mất một thời gian mới mang lại hiệu quả.

Nguồn thu nhập chính của người M'nông ở Quảng Trực là từ cây mắc ca

Đến ấm no, thoát nghèo

Chăm chỉ và bươn chải, nhưng nguồn thu nhập của gia đình ông P’lao, Bu P'răng 1, vẫn luôn ở mức hộ nghèo nhiều năm liền. Tình cảnh chỉ thay đổi từ khi ông bắt đầu học cách chăm sóc cây mắc ca.

Cây mắc ca vốn đã dễ tính, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở Bu P'răng 1, nên khi được chăm sóc đã phát triển nhanh, khỏe mạnh. Chỉ trong vòng ít năm, 200 cây mắc ca của gia đình ông P'lao đã cho thu nhập.

Sau đó, cứ mỗi năm, ông thu được gần 2 tấn hạt mắc ca. Với giá bán từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, mỗi năm ông thu về tầm 140-180 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập trong mơ của gia đình ông P'lao và hầu hết các hộ dân khác ở Bu P'răng 1.

Gia đình ông P’lao dần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ông P’lao chia sẻ: "Cây mắc ca đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Chúng tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Cuộc sống của chúng tôi giờ đây không còn cơ cực như trước nữa".

Còn gia đình anh Điểu Nhoách, ở bon Bu P’răng 1, cũng vừa trồng thêm 300 cây mắc ca sau khi thấy được hiệu quả từ 200 cây đã trồng từ năm 2015. Từ ngày trồng mắc ca, anh thường xuyên lên rẫy hơn để trông nom, tìm hiểu cách chăm sóc vườn cây.

Điểu Nhoách chia sẻ: "Mắc ca cho thấy hiệu quả và dễ chăm sóc, bán được giá. Giờ trong bon nhà nào nhiều mắc ca là nhà đó giàu có. Nhờ mắc ca gia đình tôi cũng đã thoát nghèo từ năm 2019".

Cây mắc ca được người dân trồng xen canh trong rẫy cà phê

Cây mắc ca là nguồn thu nhập chính của hầu hết người dân trong các bon làng ở Quảng Trực. Toàn xã có khoảng 500 ha mắc ca, năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. Hiện nay, người dân ngày càng chủ động được khâu kỹ thuật chăm sóc mắc ca. Bên cạnh đó, hằng năm chính quyền địa phương đều tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn kỹ thuật phát triển mắc ca cho bà con.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, trước đây dù được cấp giống, nhưng người dân lại không mặn mà với việc trồng mắc ca. Thế nhưng hiện nay, người dân đã tự chuẩn bị quỹ đất, hằng năm tự đi mua giống mắc ca về trồng. Hiệu quả kinh tế mà cây mắc ca mang lại đã làm thay đổi nhận thức của người dân.

Xã Quảng Trực có 2.440 hộ, năm 2020 xã có gần 300 hộ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, chủ yếu là nhờ nguồn thu nhập từ cây mắc ca. Hiện xã còn hơn 900 hộ nghèo. Phần lớn các hộ nghèo đều đã trồng mắc ca từ những năm trước và nay bắt đầu có nguồn thu nhập. Chính quyền địa phương tin tưởng rằng, khi có nguồn thu nhập, đời sống bà con sẽ ngày càng được nâng lên và họ sẽ nhanh chóng thoát nghèo.

Vùng đất Tuy Đức được thiên nhiên ưu đãi, nên khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca. Sự ưu đãi này cũng mang lại điều đặc biệt cho cây mắc ca. Bởi vì, cây mắc ca ở đây mỗi năm cho thu nhập 2 vụ, khác hẳn những nơi khác chỉ 1 vụ.

Việc phát triển cây mắc ca đã tạo nguồn thu nhập, giúp nhiều đồng bào vươn lên thoát nghèo. Người dân cũng đã thay đổi tập quán canh tác nương rẫy, biết tập trung đầu tư, chăm sóc, phát triển cây mắc ca và nhiều loại cây trồng khác.

Hưng Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin