Anh nông dân tưới gì vào lá dưa leo để thu hút ong bay đến thụ phấn đậu quả chi chít?
Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, anh Trần Văn Thơm, thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện mô hình trồng dưa leo, hiện đã bắt đầu cho thu hoạch.
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất cây trồng, tháng 3/2022, mô hình trồng dưa leo đã được anh Thơm đưa vào trồng thí điểm tại đất ruộng của gia đình, tổng diện tích hơn 1.000 m2. Anh Thơm đã lựa chọn loại giống dưa leo Thái G7 đem trồng thử nghiệm, đây là giống dưa dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ từ 35 ngày trở lên là cho thu hoạch.
Thu hút ong thụ phấn cho cây dưa leo bằng cách tưới đường
Để thực hiện mô hình này, anh đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua dây thép, tre để làm giàn, mua bạc phủ đất. Anh đánh luống trải bạt cho từng luống, sau đó anh gieo hạt trực tiếp xuống luống, mỗi gốc cách nhau 40 cm.
Bên cạnh đó, để cây dưa leo sinh trưởng và phát triển tốt, anh Thơm sẽ thả nước vào rãnh ở luống để tạo độ ẩm, khi đậu quả giảm lượng nước ở rãnh xuống còn 30%.
Theo anh Thơm, dưa leo là hoa đơn tính nên chủ yếu được thụ phấn nhờ côn trùng. Nắm được đặc điểm này, anh đã có cách riêng để thụ phấn cho dưa leo nhằm tăng khả năng đậu quả hơn cho dưa leo, hạn chế rụng hoa ít nhất có thể, tăng số lượng quả nhiều hơn.
Do vậy, khi có hoa nếu toàn hoa cái không có hoa đực thì sẽ phải tưới nước muối loãng; có cả hoa cái thì không phải tưới nước muối. Ngoài ra, nếu không ra quả thì sẽ pha ít đường vào nước phun lên lá để kích thích ong bay về hút mật thụ phấn.
Hiệu quả cao hơn hẳn so với thâm canh lúa
Sau gần 3 tháng triển khai, nhờ trồng và chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật nên cây dưa phát triển tốt. Toàn bộ diện tích dưa của gia đình Thơm đã cho thu hoạch, đến thời điểm này anh Thơm đã thu được hơn 1 tấn quả, với giá 15 - 20 nghìn đồng/kg hái tại vườn, còn bán đổ 8 nghìn đồng/kg, anh Thơm thu hơn 10 triệu đồng. So với thâm canh cây lúa thì trồng dưa leo được đánh giá là hiệu quả hơn.
Anh Thơm, chia sẻ: Sau khi trồng thấy đậu rất nhiều quả, tôi nhận thấy cây dưa dễ trồng, thích nghi tốt với đồng đất nơi đây. Hơn nữa, trồng loại cây này không lo đầu ra cho sản phẩm, thu hái đến đâu được các thương lái thu mua đến đó. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây này lên 2.000 m2 nữa.
"Mô hình đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của xã Liên Minh. Ngoài nhân rộng diện tích, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chăm sóc dưa cho các hộ dân tham gia trồng để việc sản xuất dưa leo thành mô hình phát triển kinh tế ổn định bền vững ở xã". Anh Thơm nói.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của mô hình trồng dưa, ông Giàng A Tình, Phó Chủ tịch Nông dân thị xã Sa Pa, cho biết: Đây là mô hình thí điểm được hội viên Trần Văn Thơm trồng tại xã Liên Minh. Cây dưa leo phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; cho năng suất, sản lượng, chất lượng cao.
Với sự thành công của mô hình, Hội Nông dân thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng trồng dưa leo vào trồng tại các địa điểm khác trên địa bàn thị xã để tạo ra nguồn sản phẩm an toàn, sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.