Anh Phạm Thế Tuấn thành công với vườn rau khí canh độc đáo
Từ một công nhân điện, anh Phạm Thế Tuấn, 33 tuổi, đã rẽ ngang, chuyển sang trồng rau khí canh áp dụng chiếu sáng điện năng lượng mặt trời cho thu nhập ổn định. Từ lâu nay, Lâm Đồng được biết đến là vùng chuyên canh trồng rau sạch với nhiều hình thức như trồng thủy canh, trồng giá thể. Việc phát triển mô hình trồng rau khí canh có thể đáp ứng nhu cầu thị trường về nguồn rau đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Khu vườn trồng rau, nuôi cá của anh Phạm Thế Tuấn (sinh năm 1988, tại Thôn 7, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) nằm trên lưng chừng núi của vùng đất nổi tiếng về cà phê và chè B’Lao. Anh Tuấn từng học Trung cấp điện rồi đi bộ đội năm 2007. Sau khi xuất ngũ thay vì tiếp tục canh tác cà phê của gia đình và đi làm thiết kế điện, cơ duyên đến khi anh nhận làm mô hình trồng rau khí "mini" phục vụ gia đình. Từ đó, anh tự mày mò nghiên cứu mô hình trồng rau khí canh quy mô hơn. Được rèn luyện trong quân ngũ giúp anh thêm ý chí, nghị lực, sau 2 năm trải qua nhiều lần thất bại nhưng anh không nản chí. Hiện hệ thống phun tưới thông minh vườn khí canh của anh đã được đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ.
Mô hình vườn rau khí canh của anh Tuấn là một kiến trúc khá độc đáo, tất cả khung sườn nhà kính đều được làm bằng gỗ tái chế, mái che nylon. Điều mới lạ là trên diện tích trồng rau rất nhỏ, chỉ 120m2, vườn rau gồm những trụ dài đặt trên hệ thống sàn gỗ, bên dưới là hồ nuôi cá. Anh Phạm Thế Tuấn cho biết, hầu hết các loại rau ăn lá, ăn quả, ăn củ đều có thể trồng theo phương pháp khí canh, cho năng suất ổn định, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Thay vì hệ thống rễ của rau lấy dinh dưỡng từ đất như phương pháp truyền thống hay từ nước như thủy canh, với rau khí canh rễ cây thu nhận dinh dưỡng từ hệ thống phun sương. Rau được xếp vào các lỗ nhỏ khoan trên ống nhựa, rễ nằm trong lòng ống, thân cây hướng ra ngoài đón ánh sáng để quang hợp. Hệ thống phun sương định kỳ phun dung dịch gồm nước và dinh dưỡng vào trong ống, rễ hút trực tiếp dinh dưỡng từ dung dịch dạng phun sương.
Anh Tuấn cho biết, hệ thống phun sương cho rau được anh lập trình sẵn tùy loại rau, thời tiết, cũng như thời điểm sinh trưởng. Quan trọng nhất là phải duy trì được nguồn điện thường xuyên, vì nếu trời nắng nóng, không có điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chu kỳ tưới rau. Vì vậy, anh Tuấn đã lắp đặt một hệ thống điện năng lượng mặt trời để chủ động nguồn điện, nhất là trong những tháng nắng nóng khi mùa tưới cà phê cao điểm dễ mất điện đột ngột. Anh Tuấn đặt hệ thống ống khí canh bên trên, bên dưới nuôi nhiều loại cá có nhiều tác dụng. Đầu tiên, nước hồ phía dưới sẽ làm mát không khí, giúp điều hòa không khí trong nhà kính. Trồng rau sẽ có sâu bọ, khi tác động làm sâu rơi xuống làm mồi cho cá, không quay ngược lại lên cây. Khi tỉa rau, những lá già sẽ là thức ăn cho bầy cá, gia đình có thêm nguồn thực phẩm từ cá. Có thể nuôi rất nhiều loại đa dạng, từ cá trắm, cá rô phi cho tới cá Koi, chép Nhật chuyên làm đẹp các hồ cá cảnh. Hiện vườn rau khí canh của anh Phạm Thế Tuấn trồng chủ yếu xà lách. Theo nhu cầu thị trường có thể trồng các loại cải, bí ngồi, cà tím, rau thơm, cần tây… đều cho năng suất cao và thời gian thu hoạch nhanh hơn trồng trên đất.
Khi bắt tay vào làm mô hình này, anh Phạm Thế Tuấn rất e ngại do chi phí đầu tư cao và thu nhập không đáp ứng. Nhưng thực tế đã chứng minh chi phí đầu tư thấp mà thu nhập ổn định. Với 120m2, anh Tuấn đầu tư 280 triệu đồng, đặt 120 máy, mỗi máy gồm 1 ống hình trụ dài và hệ thống phun sương. Mỗi ống có khoảng 50 lỗ khoan, trồng 50 cây rau. Với loại cây đang trồng như xà lách, trung bình thu được 10 kg/máy/vụ 25 ngày. Tính ra, mỗi tháng anh Tuấn thu được 1 tấn xà lách với giá bán 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn thu nhập từ 25-30 triệu đồng. Anh Phạm Thế Tuấn chia sẻ, trồng rau khí canh không cần diện tích lớn, nhưng vẫn có thể cho năng suất rất cao. Rau trồng khí canh chất lượng an toàn, không dính đất cát, cây rau to, đẹp, sạch. Quy trình trồng không phức tạp, có thể áp dụng với nhiều vùng miền, khí hậu khác nhau. Hiện nay rau của mô hình được thị trường ưa chuộng, đặt mua tại địa phương và một số vùng. Nhiều người tiền sử cao huyết áp sử dụng rau cần tây xay uống hàng ngày đã tin dùng và đặt hàng ổn định.
Chị Hoàng Thị Mỹ Hằng, Bí thư Huyện đoàn Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, nhận xét, anh Phạm Thế Tuấn rất năng động, dám nghĩ, dám làm và chịu khó nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình sản xuất rau khí canh của anh đã đem lại hiệu quả cao, là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương. Từ hiệu quả của vườn rau khí canh, hiện anh Tuấn đang tiếp tục mở rộng diện tích, tăng thêm máy trồng rau, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ say mê nghiên cứu, anh Tuấn còn sẵn sàng chia sẻ quy trình, kinh nghiệm trồng rau khí canh cho nhiều người với mong muốn mang đến cho người nông dân thêm những lựa chọn trong canh tác nông nghiệp.
Đặng Tuấn