Áp dụng máy cấy vào sản xuất lúa: Cần những cánh đồng lớn
Vụ Hè Thu năm 2021, Trung tâm giống nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên triển khai cấy máy bằng mạ khay cho các địa phương ở huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ với diện tích trên 50ha. Mô hình này đang được coi là giải pháp cơ giới hoá giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình này vẫn chưa được triển khai rộng rãi do vẫn còn những tồn tại.
Mô hình đã giúp giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí sản xuất, chủ động thời vụ, năng suất lúa cao hơn so với cấy tay truyền thống. Ảnh: Đinh Tuấn – TTXVN
Giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động
Áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy vụ thứ 2, ông Nguyễn Văn Khiêm ở thôn Trắc Điền, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi chia sẻ, sử dụng mạ khay để cấy máy giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất rất lớn, tiết kiệm được giống, đặc biệt là ít tốn nhân công.
Ông Khiêm tính toán, chi phí 1 sào Bắc Bộ (360m2) với lúa tẻ là 250 nghìn đồng, lúa nếp là 280 nghìn đồng, trong khi đó, nếu thuê lao động phải mất khoảng 400 nghìn đồng/sào. Như vậy, chi phí thuê máy cấy chỉ bằng 2/3 so với phương pháp thủ công. Không những thế, phương pháp này rất thuận tiện cho việc chăm sóc và lúa ít bị sâu bệnh.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng bảy tỏ, nông dân nhàn hơn hẳn khi có máy thay thế. Bởi, với phương pháp này gia đình không còn phải lo khâu chuẩn bị giống, gieo mạ và nhổ mạ, chủ máy cấy sẽ đảm nhận toàn bộ từ mua giống, gieo mạ trong khay cho đến khi thực hiện cấy.
Ông Phạm Huy Thái, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, khi sử dụng mạ khay, cấy máy sẽ cấy được diện tích lớn trong một thời gian ngắn; 1 máy 1 ngày có thể cấy được diện tích bằng 70 người làm thủ công. Như vậy, không chỉ giảm chi phí sản xuất, việc áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy còn góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động.
Với gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ, phương pháp cấy máy đã giải quyết được nỗi lo lao động khi mùa vụ đến. Gia đình ông neo người nên trước đây cứ đến vụ cấy ông Hùng rất lo lắng đi thuê người. Có nhiều vụ ông phải thuê với chi phí cao lên tới hơn 400 nghìn đồng/sào. Nay chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy bằng máy, ông Hùng không còn cảnh đau đáu tìm người cấy thuê.
Không những giảm chi phí, tiết kiệm lao động, phương pháp cấy máy bằng mạ khay còn có nhiều ưu điểm khác. Chị Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Kỹ thuật và Dịch vụ, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, phương pháp mạ khay cấy máy giúp bà con chủ động thời vụ, khắc phục được ảnh hưởng của thời tiết.
"Với phương pháp này, chất lượng mạ tốt hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa mà năng suất không đổi. Đồng thời, lúa cấy bằng máy nông và thưa nên khả năng đẻ nhánh của cây lúa khỏe, ruộng lúa thông thoáng ít sâu bệnh. Từ đó, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn. Áp dụng phương pháp này cũng sẽ giúp bà con đáp ứng được nhu cầu sản xuất lúa theo hướng hàng hoá", chị Tuyết khẳng định.
Cần những cánh đồng lớn
Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà nông. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp này có những hạn chế nên chưa được áp dụng rộng rãi.
Hiện tỉnh Hưng Yên có khoảng gần 100 máy cấy, tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy đạt khoảng 15% diện tích gieo cấy của toàn tỉnh. Nhiều hộ nông dân muốn được tham gia mô hình này nhưng thực tế đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Đó là yếu tố chính làm giảm năng lực cơ giới hóa của máy móc.
Bà Nguyễn Thị Thơm ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ chia sẻ, nhìn thấy lợi ích của việc cấy máy nhưng gia đình bà không thể áp dụng phương pháp này do diện tích ruộng quá nhỏ lại phân tán ở nhiều nơi. Vì thế, gia đình đành chờ đợi khi nào có đủ điều kiện sẽ áp dụng phương pháp này.
Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên Phạm Huy Thái cho biết, mô hình này đòi hỏi phải có cánh đồng lớn; những thửa ruộng nhỏ, lẻ, máy cấy không thể hoạt động. Chính vì vậy, bà con phải tập hợp lại, các hộ thống nhất cùng làm mới có thể triển khai cấy máy bằng mạ khay.
Ngoài ra, chị Nguyễn Thị Tuyết cũng cho hay, áp dụng phương pháp này khâu làm mạ đòi hỏi kỹ thuật tương đối tốt liên quan đến cách chọn đất, cách ngâm, ủ, trải mạ, cách chăm sóc mạ. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho làm mạ khay, máy cấy lớn, khâu trải mạ cũng đòi hỏi phải có diện tích rất lớn. Do đó, ít cá nhân có đủ khả năng đầu tư máy cấy, mạ khay để phục vụ bà con.
Với mục đích đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm áp lực về lao động, năm 2018, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên bắt đầu thử nghiệm phương pháp này trên diện tích hơn 5ha.
Theo chị Nguyễn Thị Tuyết, giai đoạn đầu người dân có sự e dè vì mật độ cấy thưa, năng suất có thể giảm. Tuy nhiên, sau 1 vụ cho thấy năng suất không đổi mà tiết kiệm được chi phí sản xuất lại hạn chế được sâu bệnh và nhiều hộ nông dân đã rủ nhau đăng ký. Số lượng đăng ký ngày càng tăng mạnh, nhưng nhiều khu ruộng của bà con không đủ điều kiện nên không thể áp dụng phương pháp này.
Theo nhiều nông dân, mô hình này cần được khắc phục những mặt hạn chế đang tồn tại để sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dần sang hướng hiện đại.
Đỗ Huyền