|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngành chăn nuôi ổn định quy mô đàn và chuyển dịch theo định hướng

Trong tháng 3, giá trị ngành chăn nuôi của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 352 tỷ đồng, tăng 4,02% so với cùng kỳ và đạt 27% so với kế hoạch năm 2022.

 

Chích vắc xin cho heo tại một trang trại chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong tháng 3, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng từ 2,2 đến 4,2% so với cùng kỳ, cụ thể, đàn heo 367.155 con; gia cầm các loại 6,43 triệu con; trâu, bò 52.218 con; dê, cừu 92.722 con. Đặc biệt, tổng đàn gia cầm tăng cao nhất, tiếp đến là đàn dê, cừu;  đây có thể được xem là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi của tỉnh, vì theo định hướng phát triển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ưu tiên chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn, gia súc ăn cỏ và tập trung tái đàn trong chăn nuôi heo.  

Nguyên nhân khiến tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định và tăng so với tháng trước là do giá cả sản phẩm chăn nuôi ổn định, tình hình tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật thuận lợi và không còn xảy ra tình trạng ùn ứ sản phẩm nông nghiệp. Sản lượng thịt hơi các loại, trứng gia cầm đều tăng từ 4,2 đến 6,3% so với cùng kỳ và đạt 24,8% so với kế hoạch năm. Đối với sản lượng thịt hơi (8.899 tấn) và trứng gia cầm (16.284 quả) được sản xuất trong tháng không những đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh mà còn có thể cung cấp cho các tỉnh lân cận từ 13-20%.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân góp phần ổn định tổng đàn vật nuôi của tỉnh là sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong công tác này, có sự đóng góp rất lớn của lực lượng thú y các cấp đã cùng với các sở, ngành, chính quyền địa phương và người chăn nuôi cùng triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đến thời điểm hiện tại, đã kiểm soát và khống chế thành công bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như Cúm gia cầm, Hội chứng rối loạn hô hấp sinh sản trên heo (PRRS – heo tai xanh), Lở mồm long móng gia súc… chưa ghi nhận xảy ra tại tỉnh. Riêng bệnh Dịch tả heo châu Phi, tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra tại 4 huyện với 11 ổ dịch và tiêu hủy bắt buộc 274 heo nhiễm bệnh, so với quý 4 năm 2021, số ổ dịch và số heo tiêu hủy giảm 87,6%.

Định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh trong năm 2022 là từng bước chuyển chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng công nghệ cao bằng các giải pháp sử dụng con giống nhập ngoại, chăn nuôi trên hệ thống chuồng lạnh và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trong chăn nuôi. Đây là 3 nội dung quan trọng thể hiện quan điểm đúng đắn của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành nông nghiệp góp phần phát triển ổn định, bền vững cho hoạt động chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người và tiến tới sản xuất hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hình thức chăn nuôi trang trại phát triển nhanh, cả về số lượng trang trại, quy mô đàn và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.

Đến nay, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm trang trại chiếm khoảng 55,1% tổng đàn (so năm 2015 là 41,7%); chăn nuôi heo trang trại chiếm khoảng 61,8% tổng đàn (so năm 2015 là 40%); hiện có 125 trang trại, 32% số gia trại, hộ gia đình chăn nuôi heo (96 trại xử lý chất thải bằng hình thức biogas, 4 trại ứng dụng đệm lót sinh học và 25 trại ứng dụng “hồ sinh học”) và 2 trang trại, 19 gia trại, hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy sản đã sử dụng các phương pháp xử lý môi trường chăn nuôi; có 03 trại heo giống và 05 trại gia cầm giống đã nhập giống từ nước ngoài để cải tạo chất lượng giống (đã nâng tỷ lệ sử dụng con giống bò lai sind lên trên 87%, tỷ lệ sử dụng con giống gà chuyên trứng, chuyên thịt có chất lượng cao đạt 95%; hầu hết số heo nái của tỉnh là giống ngoại có năng suất, chất lượng cao); có 12 trại heo ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Hiện có 18 trang trại chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP (16 cơ sở nuôi heo và 02 cơ sở nuôi gà). Đặc biệt, có 01 cơ sở chăn nuôi 400 heo nái sinh sản chất lượng cao, áp dụng chăn nuôi kiểu mẫu theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích là 49.977 m2 của Công ty De Heus Safe Pork B.V tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khả quan nhưng thực tế hoạt động chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao khoảng 78%, chăn nuôi với mật độ cao rất dễ tái phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đặc biệt trong thời điểm giá cả sản phẩm chăn nuôi đang ổn định có xu hướng tăng trong thời gian tới. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì người chăn nuôi cần chủ động thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi./.

 

Minh Thịnh

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin