Bí quyết về đích đúng hẹn nông thôn mới nâng cao của xã Tức Tranh
Với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc huy động sức dân cùng chung tay thực hiện, đến nay xã Tức Tranh, huyện Phú Lương đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và là một trong 9 địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên cán đích đúng hẹn.
Về đích nông thôn mới từ năm 2015, Tức Tranh đã có kinh nghiệm và nền tảng để thực hiện nông thôn mới nâng cao. Ngay sau khi được tỉnh chọn làm điểm, xã đã thành lập Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới nâng cao và các tiểu ban ở các thôn.
Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: “Khi bắt đầu triển khai chương trình, cả hệ thống cùng vào cuộc, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và các xóm. Đồng thời, gắn trách nhiệm cho mỗi thành viên phụ trách từng tiêu chí, từng địa bàn của mỗi xóm”.
Điều quan trọng quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới được xã Tức Tranh xác định chính là tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong xây dựng nông thôn mới với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Xóm Bãi Bằng là địa phương đầu tiên của xã đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2018. Diện mạo nơi đây giờ đã có nhiều đổi mới với những ngôi nhà khang trang, hệ thống cây xanh, đường làng ngõ xóm sạch, đẹp hơn. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và người dân trong xóm sau nhiều năm thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Kiền, Trưởng xóm Bãi Bằng chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, nhanh chóng tại địa phương là nhờ sự đồng lòng, nhất trí của người dân. Trong các cuộc họp chi bộ, thông tin về quá trình xây dựng nông thôn mới được chia sẻ tới từng đảng viên. Trong các cuộc họp của xóm cũng vậy, người dân được biết, được bàn nên hiểu rõ quy trình thực hiện. Khi người dân nhận thức được những việc đúng, mang lại lợi ích thì sẽ tự thực hiện, tự giám sát... Từ đó, mọi việc sẽ có kết quả”.
Thành công của xóm Bãi Bằng đã tạo sức mạnh lan tỏa tới nhiều xóm, hiện Tức Tranh đã có 11/24 xóm đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần quan trọng trong kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh từ cây chè, với diện tích khoảng 1.145 ha, chiếm gần 45% diện tích đất tự nhiên của toàn xã, cây chè được Tức Tranh xác định là cây mũi nhọn và sản phẩm trà được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhiều chương trình, dự án cuả tỉnh, của huyện đã được xã vận dụng nhằm hỗ trợ cho người dân trong quá trình chăm sóc, chế biến, tiêu thụ chè.
Xã hiện có 10 tổ hợp tác sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP, 2 tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ, 9 hợp tác xã chuyên sản xuất chế biên chè hoạt động hiệu quả. Xã đã xây dựng được 4 sản phẩm OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 3 sao.
Người dân Tức Tranh ngày càng chú trọng việc nâng cao chất lượng chè, quá trình trồng, chăm sóc đang được người dân thực hiện theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ mang lại một môi trường sống trong lành mà còn cho ra những sản phẩm trà được nhiều người ưa chuộng. Việc kinh doanh tiêu thụ chè được người dân Tức Tranh ứng dụng linh hoạt thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Anh Nguyễn Thái Ninh, Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Thái Ninh ở xóm Minh Hợp cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi được giới thiệu trên các trang thương mại điện tử, điều này giúp cho việc kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, hợp tác xã cũng nhận được sự ủng hộ kịp thời của chính quyền địa phương, tạo động lực cho chúng tôi gắn bó và phát triển nghề ngay trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Tức Tranh đã huy động nguồn lực hơn 31,4 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp gần 7,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định. Hiện 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa và bê tông hóa, hệ thống chiếu sáng được đầu tư lắp đặt trên tất cả các trục đường làng ngõ xóm, trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, không còn hộ nghèo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường… Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,29 triệu đồng/người/năm. Dấu ấn nông thôn mới hiện rõ khi diện mạo làng quê khang trang, đời sống người dân đi lên.
Ông Ma Tiến Kốp, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lương đánh giá: những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Tức Tranh sẽ là tiền đề quan trọng để các địa phương khác trong toàn huyện tin tưởng, đoàn kết, đồng lòng, tích cực phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đề ra trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới, đặc biệt là tinh thân quyết tâm trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới”.
Với quan điểm “chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc”, ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết, trong hướng đi tiếp theo, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua, củng cố, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương. Cùng đó, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được với mục tiêu hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”.
Thu Hằng