Bình Định: Hiệu quả mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển
Các xã, phường ven biển tỉnh Bình Định đã thành lập nhiều tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với mục đích tăng năng suất khai thác hải sản, tạo mối gắn kết, tương trợ lẫn nhau. Qua đó, yên tâm bám biển làm giàu, góp phần giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu cá của ngư dân Bình Định vươn khơi tại khu vực cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới, thuyền trưởng Huỳnh Trương Thường cùng các thuyền viên khác khẩn trương kiểm tra, đại tu máy móc, sơn sửa tàu cá. Khâu quan trọng được vị thuyền trưởng này đặc biệt quan tâm là đảm bảo thiết bị kết nối, giữ liên lạc thường xuyên với thành viên Tổ đội nghề cá đoàn kết phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn.
Anh Thường chia sẻ, khi đi biển đều cùng với hơn 10 tàu khác trong tổ đội. Suốt hành trình, nếu không may máy tàu bị hỏng hóc thì các tàu khác sẽ không "bỏ rơi" mà vẫn hỗ trợ lai dắt đi đánh bắt tiếp, đủ chuyến mới trở về.
Tổ đội nghề cá đoàn kết phường Hoài Thanh hiện có hơn 10 thành viên, được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Đây chính là "cầu nối" giúp ngư dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; kỹ thuật lẫn nhau, cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm khâu hậu cần cho nhau, nắm vững thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Ngư dân Nguyễn Văn Thượng, Chủ tàu Lâm Trúc 2, phường Hoài Thanh cho hay, đoàn kết chính là yếu tố tiên quyết khi hành nghề trên biển. Nếu tàu nào thiếu thốn nguyên liệu, nhu yếu phẩm thậm chí đánh bắt không đạt… các tàu khác sẽ chủ động ra tay giúp đỡ. Thậm chí, nhiều thợ máy giỏi cũng không hề "giấu nghề" khi thấy tàu bạn bị nạn.
"Thành lập tổ đội nghề cá đoàn kết trên biển, anh em chúng tôi có trách nhiệm hơn hẳn. Ai nấy đều bật máy bộ đàm liên lạc tầm xa ICOM 24/24 giờ để theo dõi, liên lạc, nắm chắc vị trí của nhau, kề vai sát cánh cùng nhau trong lúc hoạn nạn, nguy khó. Chính điều đó, giúp chúng tôi có thêm tự tin, chỗ dựa vững chắc khi vươn khơi làm giàu", anh Thượng cho biết thêm.
Thị xã Hoài Nhơn có hơn 2.300 tàu cá; trong đó, có hơn 1.800 tàu cá đánh bắt xa bờ (chủ yếu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương). Đến thời điểm hiện tại, toàn thị xã đã thành lập hơn 220 tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển với hơn 800 tàu cá tham gia - là một trong những địa phương có số lượng tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển lớn nhất tỉnh.
Ông Trương Nam Phong, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoài Nhơn, Bình Định thông tin, các tổ đội này đã phát huy mạnh mẽ tinh thần quả cảm của ngư dân, được ví như những "cột mốc sống" góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Nét nổi bật nhất có thể kể đến là đem lại hiệu quả cao về mặt tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật, khai thác hải sản hợp pháp so với hình thức tuyên truyền nhỏ lẻ. Hơn nữa, còn giúp ích rất nhiều cho việc cứu nạn, cứu hộ. Điển hình như năm nay, địa bàn thị xã có nhiều tàu cá bị nạn trên biển được lai dắt về đất liền an toàn nhờ có các tổ đội đoàn kết khai thác thủy sản.
Cũng theo ông Phong, năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản xa bờ ước đạt hơn 72.000 tấn, tăng hơn 3.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022. Có được kết quả này cũng một phần nhờ các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển áp dụng công nghệ mới vào quá trình khai thác.
Lê Phước Ngọc