|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Phước khẩn trương khống chế bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò

Thời gian gần đây trên địa bàn hai huyện Bù Đốp và Hớn Quản, tỉnh Bình Phước xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò. Tỉnh Bình Phước đã công bố dịch và triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống, ngăn ngừa dịch lây lan.

Binh Phuoc khan truong khong che benh viem da noi cuc tren dan bo hinh anh 1

Hình ảnh viêm da nổi cục xuất hiện trên 1 con bò. Ảnh: TTXVN

Theo Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020 đến nay đã xuất hiện tại hơn 30 tỉnh, thành phố.

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae, chi Capripoxvirus gây ra trên trâu, bò. Virus này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày.

Trên địa bàn Bình Phước, hai ổ dịch viêm da nổi cục trên bò được ghi nhận tại huyện Bù Đốp và huyện Hớn Quản vào đầu tháng 7/2021. Sau khi phát hiện các ổ dịch, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện Bù Đốp và Hớn Quản triển khai các biện pháp cấp bách nhằm khoanh vùng, dập dịch.

Ông Phạm Thế Huân, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, qua điều tra dịch tễ cho thấy có khả năng nguồn lây bệnh tại những ổ dịch trên từ các thương lái mua bán vận chuyển trâu bò từ địa phương khác về.

“Trung tâm cũng khuyến cáo người dân nên thường xuyên vệ sinh chuồng trại vật nuôi sạch sẽ và tiêm phòng để đàn vật nuôi khỏe mạnh, hạn chế chăn thả trong thời gian này, hạn chế mua bán thịt trâu bò trong thời gian dịch bệnh đã diễn ra”, ông Huân cho biết.

Theo ông Nguyễn Vũ Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, sau khi phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò tại xã Minh Tâm, huyện đã ban hành quyết định công bố dịch. Huyện cũng triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch; thành lập đội tiêu huỷ trâu, bò mắc bệnh; hướng dẫn việc đi lại, cấm người không có nhiệm vụ vào khu vực ổ dịch; cấm giết mổ gia súc đưa vào, mang ra khỏi địa bàn đang có dịch. Các xã trong vùng uy hiếp và vùng đệm triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Ngoài ra, UBND huyện Hớn Quản yêu cầu các địa phương, đơn vị kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm động vật của trâu, bò để phát hiện, xử lý kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cơ quan Thú y Bình Phước khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi các triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, không để nước tù đọng, phân rác ô nhiễm để côn trùng không có cơ hội sinh sản; chỉ mua gia súc giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín.

Bên cạnh đó, do bệnh viêm da nổi cục chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng vaccine tạo miễn dịch chủ động là hiệu quả nhất, vì vậy, người chăn nuôi chủ động mua vaccine định kỳ tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục và các loại vaccine khác để có miễn dịch chủ động cho đàn gia súc.

Người chăn nuôi cũng thực hiện tốt “5 Không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; không vứt xác trâu, bò ra ngoài môi trường; không chăn thả rông trâu, bò bị bệnh chung trên đồng cỏ.

Theo thống kê, hiện nay đàn trâu trên địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 13.400 con, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 2.500 con. Đàn bò khoảng 39.000 con, mỗi tháng xuất chuồng khoảng 9.500 con.

Sỹ Tuyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin