Bưởi đường - Cây thoát nghèo ở Tuyên Quang
Từ nhiều năm qua, bưởi đường ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người tiêu dùng đánh giá là loại trái cây thơm ngon, múi bưởi mọng nước, vị ngọt thanh rất có lợi cho sức khỏe. Được người tiêu dùng tin tưởng, cây bưởi đường đã giúp người trồng bưởi ở xã Xuân Vân có cuộc sống ngày càng ổn định. Cây bưởi đường giờ đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của nhiều hộ dân trong xã.
Gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã có gần 40 năm kinh nghiệm trồng bưởi. Để nâng cao giá trị cũng như chất lượng của quả bưởi, hai năm qua, hơn 2 ha bưởi của gia đình ông được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn và sản lượng tăng lên hàng năm. Bưởi sau khi thu hoạch đều được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường.
Ông Đỗ Khắc Thỏa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi gia đình ông từ tỉnh Hà Tây (cũ) tới thôn Soi Hà, xã Xuân Vân khai hoang phát triển vùng kinh tế mới đã mang theo giống bưởi đường trồng ở vườn nhà phục vụ sinh hoạt của gia đình. Ngày ấy, cây ngô, cây sắn, cây mía vẫn là loại cây trồng chính của người dân địa phương. Do phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, cây bưởi đường cho quả thơm ngon, được nhiều người biết đến và trở thành thứ quả đặc sản của địa phương.
Cũng theo ông Thỏa, việc tiêu thụ bưởi đường giờ đây cũng rất thuận lợi. Ngay đầu vụ, các thương lái tới đặt cọc tiền mua cả vườn khi bưởi còn nhỏ. Gia đình ông Thỏa chủ yếu bán buôn chứ không bán lẻ bưởi. Hiện bưởi đường Soi Hà có giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/quả, với 2 ha bưởi đường đang cho thu hoạch, trừ hết chi phí gia đình ông Thỏa thu lãi hơn 200 triệu đồng/ha/vụ.
Năm 2017, bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Năm 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đây là cơ hội để sản phẩm này tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, trên địa bàn xã Xuân Vân hiện có gần 900 ha trồng bưởi; trong đó, hơn 200 ha trồng giống bưởi đường Soi Hà. Thời gian tới UBND xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan, phòng ban của huyện Yên Sơn đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng diện tích bưởi hiện có, không ồ ạt mở rộng diện tích.
"Trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi định hướng cho người dân liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp, đưa sản phẩm bưởi vào siêu thị để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng bưởi", ông Lê Hồng Việt cho hay.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cây bưởi được người dân trong huyện trồng từ năm 2002. Từ vài chục ha ban đầu, đến nay, tổng diện tích cây bưởi trên toàn huyện đã lên tới trên 4.000 ha. Hiện tại, thị trường tiêu thụ bưởi Yên Sơn tương đối tốt, giá trị kinh tế đem lại từ trồng bưởi vẫn đang dẫn đầu trong cơ cấu cây trồng, chưa xảy ra tình trạng cung vượt cầu.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để đưa sản phẩm bưởi lên sàn giao dịch điện tử. Khi sản phẩm bưởi được đưa lên sàn điện tử, người sản xuất phải rất linh hoạt trong việc điều chỉnh mẫu mã, chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng", ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Ðể nâng cao giá trị của cây bưởi, UBND huyện Yên Sơn đã mở các hội nghị tập huấn khoa học - kỹ thuật cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới để người dân áp dụng vào quy trình sản xuất, đáp ứng đúng tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm bưởi ra nước ngoài.
Quang Cường