Cà Mau cải thiện chất lượng cây giống để phát triển kinh tế lâm nghiệp
Năng suất, chất lượng rừng trồng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cây giống, tuy nhiên theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nhận định, việc đầu tư xây dựng nguồn giống có chất lượng phục vụ trồng rừng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống... trên địa bàn tỉnh còn còn tồn tại nhiều hạn chế cần nhanh chóng tháo gỡ.
Gỗ keo lai được thu mua với mức giá luôn ổn định, bình quân từ 140-160 triệu đồng/ha, đã góp phần nâng cao đời sống người dân vùng rừng U Minh Hạ. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN
Hiện tại, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ đang quản lý 23.966 ha; trong đó diện tích quy hoạch trồng rừng trên 19.400 ha. Ngoài loài cây tràm bản địa, khu vực rừng tràm đã nhập ngoại cây keo lai và tràm Úc. Hiện nay, diện tích rừng keo lai trên lâm phần công ty là 5.924 ha, chiếm 32%.
Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ chia sẻ, bình quân hàng năm công ty cung cấp cho thị trường trên 200 nghìn tấn gỗ - củi, tạo ra vùng nguyên liệu gỗ dồi dào trên khu vực rừng U Minh Hạ. Tuy nhiên, nguồn cây giống chất lượng chưa cao, đang thiếu, một số hộ dân mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá rẻ để trồng rừng, từ đó dẫn đến rủi ro, phát sinh sâu bệnh hại rừng trồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, giống cây tràm trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất để phục vụ trồng rừng trong tỉnh, 100% giống tràm cho trồng rừng mua từ Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An...
Với giống cây keo lai, hiện có 2 cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô (với tổng năng lực sản xuất theo thiết kế là 1,3 triệu cây/năm). Tuy nhiên, khả năng sản xuất và cung ứng cho thị trường hiện cũng chỉ đạt khoảng 50 ngàn cây/năm (đáp ứng khoảng 1,1% nhu cầu trồng rừng), mặt khác giá thành cũng khá cao.
Ðối với giống cây keo lai giâm hom, hiện chỉ có 3 cơ sở sản xuất giống, khả năng cung ứng khoảng 3 triệu cây/năm, đáp ứng khoảng 67% nhu cầu trồng rừng toàn tỉnh. Ðối với khu vực rừng đước, diện tích trồng rừng mới và trồng sau khai thác hàng năm khoảng 1.200 ha, nhu cầu giống phục vụ trồng rừng khoảng 300-350 tấn trụ mầm đước/năm. Hiện nay, giống đước được cung ứng 100% cho trồng rừng ngập mặn trên toàn tỉnh và được thu gom trên lâm phần các ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ngọc Hiển.
Qua khảo sát thực tế và nắm tình hình về rừng trong nhiều năm, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, khả năng chống chịu của cây keo lai với các yếu tố thời tiết bất thường, điều kiện lập địa, quy trình kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn... chưa được nghiên cứu, giải quyết. Ðó là vấn đề ngập úng, nền đất yếu, cây dễ bị lay gốc, gãy, ngã (khi có gió mạnh, dông, bão); giống tự sản xuất nhiều năm chưa được đánh giá, ảnh hưởng đến chất lượng rừng, khả năng kéo dài chu kỳ nuôi dưỡng tạo rừng gỗ lớn...
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia về lâm nghiệp cũng đã đề xuất tỉnh Cà Mau cần nâng cao năng lực sản xuất giống đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn; ưu tiên chọn các dòng mới phù hợp với lập địa nhiễm phèn, có năng suất cao, dẻo dai, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Thảo cho biết thêm, tới đây, diện tích trồng rừng keo lai tại đơn vị sẽ được nâng lên chiếm khoảng 60% diện tích rừng trồng, tương đương khoảng 11.290 ha; rừng tràm Úc và tràm cừ khoảng 40% diện tích rừng trồng, tương đương khoảng 7.527 ha. Khi ưu tiên trồng rừng gỗ lớn thì nhu cầu về cây giống chất lượng ngày càng cao...
Tỉnh Cà Mau đề ra các mục tiêu phát triển lâm nghiệp cho giai đoạn 2021-2030, cụ thể: trồng rừng mới (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) 3.000 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên tạo lập rừng mới khu vực mới bồi 500 ha; tỷ lệ diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Bên cạnh đó là xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp phục vụ sản xuất, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội vùng rừng ngày càng đồng bộ, hiệu quả…
Để nền kinh tế lâm nghiệp của địa phương phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho rằng, nền tảng vẫn là nâng cao chất lượng cây giống. Bên cạnh đó đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, biện pháp khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào lâm nghiệp thì sẽ đẩy mạnh việc trồng rừng tập trung thâm canh gỗ lớn, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng cao phục vụ phát triển ngành chế biến sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.
Ngoài ra, một giải pháp trọng tâm khác là việc địa phương sẽ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tiến đến đánh giá và cấp chứng chỉ rừng trồng, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng; đồng thời tăng cường trữ lượng carbon rừng giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, tổng thể bức tranh của nền kinh tế lâm nghiệp của Cà Mau đã có nhiều bước tiến khởi sắc. Dù vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhưng chất lượng cây giống ngày càng được chú trọng. Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học nhằm tạo ra nguồn giống chất lượng, đồng nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi giá trị sản xuất, nâng tầm kinh tế lâm nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.
Huỳnh Anh