Các tỉnh phía Bắc: Giữ lúa mùa an toàn trước sâu bệnh
Hiện nay, tại một số tỉnh phía Bắc tình hình sâu bệnh hại trên lúa, đặc biệt là bệnh sâu đục thân 2 chấm đang phát triển mạnh. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, đảm bảo thắng lợi vụ mùa 2021.
Hơn 32.000ha lúa nhiễm sâu đục thân 2 chấm
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện các tỉnh phía Bắc có khoảng 845.430ha lúa, trong đó có khoảng 180.000ha lúa đã trổ (chiếm 21% diện tích). Các trà lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, độ đồng đều cao, đang ở giai đoạn phân hóa đòng - trổ bông và phơi màu.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bắc Kạn... tình trạng sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng với mật độ ổ trứng phổ biến 0,01 - 0,02 ổ/m2, nơi cao 0,3 - 0,5 ổ/m2, cục bộ có nơi 1 - 3 ổ/m2 đang gây hại đến quá trình sinh trưởng của lúa.
Hiện diện tích nhiễm trứng sâu đục thân 2 chấm (tính đến ngày 31/8) là 32.453ha (cao hơn 31.930ha so với kỳ trước, cao hơn 32.093ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó diện tích nhiễm nặng 1.100ha. Cục BVTV khuyến cáo, nếu không phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
Cục BVTV yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phía Bắc tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, xác định thời điểm trỗ, mật độ trứng sâu đục thân 2 chấm và lựa chọn loại thuốc phun, thời điểm phun thuốc đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo lãnh đạo Cục BVTV, dự báo thời gian tới, trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa rộ và đẻ trứng. Sâu non gây bông bạc trên những diện tích lúa trỗ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (xung quanh 2/9), mức độ gây hại có khả năng cao hơn nhiều so với năm trước. Các tỉnh hiện có mật độ ổ trứng cao như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ... sẽ bị hại nặng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, hiện nay, lúa trên địa bàn thị xã đang ở giai đoạn đòng già - chắc xanh, sinh trưởng phát triển tốt. Diện tích lúa trổ đến nay khoảng 3.750ha.
Theo ông Tuấn, kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa tại xã Yên Nam cho thấy, sâu đục thân 2 chấm trưởng thành mật độ trung bình 0,1 - 0,2 con/m2, nơi cao 0,3 - 0,5 con/m2, cục bộ 1 - 2 con/m2. Mật độ ổ trứng trung bình 0,1 - 0,3 ổ/m2, nơi cao 0,5 - 0,7 ổ/m2, cục bộ 1 - 3 ổ/m2.
"Ngoài sâu đục thân 2 chấm được coi là đối tượng gây hại số một từ nay đến cuối vụ mùa thì trên diện tích một số trà lúa của thị xã còn xuất hiện rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 6, bệnh đốm sọc và bạc lá vi khuẩn, bệnh khô vằn. Trung tâm đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa" - ông Tuấn thông tin.
Tập trung phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa
Tại tỉnh Thái Bình, tình hình sâu bệnh hại trên lúa cũng đang diễn biến phức tạp. Bà Lê Thị Thu Hồi - Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Vũ Thư cho biết, 7.600ha lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn làm đòng, đòng già. Qua kiểm tra, lúa mùa phát sinh các đối tượng sâu bệnh gây hại, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.
Bà Hồi cho hay, qua kiểm tra đồng ruộng toàn huyện, sâu đục thân 2 chấm có mật độ ổ trứng trung bình 0,05 - 0,2 ổ/m2, nơi cao 0,4 - 0,5 ổ/m2, cá biệt 1 - 3 ổ/m2; sâu non nở từ ngày 21/8 - 1/9, nếu không phòng, trừ tốt, sâu non sẽ gây bông bạc, thui đòng. Sâu cuốn lá nhỏ có mật độ trứng trung bình 15 - 20 quả/m2, nơi cao 30 - 40 quả/m2.
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có xu hướng gia tăng, tỷ lệ gây hại nơi cao 10 - 20%, cục bộ 50 - 60%. Bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Bệnh khô vằn đã và đang phát sinh trên hầu hết các giống, đặc biệt lúa cấy dày, bón thừa đạm. Lúa cỏ đã xuất hiện tại đồng ruộng nhiều xã và có xu hướng lan nhanh, rộng.
Ông Trần Văn Thành - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Vũ Tiến cho biết, vụ mùa này địa phương gieo cấy 295,5ha lúa, trong đó 80% diện tích là giống Bắc thơm, T10. Do điều kiện thời tiết, hiện nhiều diện tích lúa của địa phương bị nhiễm bệnh bạc lá. Một số cánh đồng đã nhiễm bệnh bạc lá với tỷ lệ vết bệnh 10 - 20%.
"Bệnh lây theo chiều gió nên dễ phát tán ra diện rộng. Để bảo vệ an toàn lúa mùa, HTX xã phát động nông dân tiến hành phun thuốc phòng, trừ sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, đồng thời kết hợp phun phòng bệnh bạc lá cho toàn bộ diện tích" - ông Thanh nói.
Tại huyện Quỳnh Phụ, vụ mùa năm 2021, huyện này gieo cấy trên 11.000ha lúa. Qua kiểm tra trên đồng ruộng, sâu non cuốn lá nhỏ có mật độ trung bình từ 50 - 70 con/m2, nơi cao từ 100 - 120 con/m2. Đối với sâu đục thân 2 chấm, vụ mùa năm nay có mật độ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Để bảo vệ năng suất lúa, huyện Quỳnh Phụ phát động nông dân phun thuốc phòng, trừ các loại sâu bệnh từ ngày 25 - 29/8. Sau ngày đầu tiên phát động chiến dịch, nông dân trong huyện đã phun được 70% diện tích.