|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăn nuôi cuối năm 2021: Sẽ diễn biến ra sao?

Chăn nuôi Việt Nam đang ở trong thời điểm vô cùng khó khăn, khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, giá bán các sản phẩm chăn nuôi sụt giảm nghiêm trọng; trong khi đó, giá bán thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Liệu thời điểm cuối năm, tình hình này có được cải thiện?

Chăn nuôi lợn tại một trang trại. Ảnh: Trần Trung

Dè dặt tái đàn phục vụ Tết nguyên đán…

Thời điểm này những năm trước, các hộ chăn nuôi thường tập trung đầu tư tái đàn để phục vụ thị trường dịp Tết. Năm nay, do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh dè dặt, giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng trại.

Tại tỉnh Thái Nguyên, nếu như thời điểm đầu năm 2021, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) vẫn duy trì nuôi trên 800 con lợn thì hiện tại chỉ còn 200 con, trong đó có 100 con lợn nái. Anh Thắng bày tỏ: Năm nay, giá cám tăng quá cao, từ 250 nghìn đồng/bao (loại 25kg) lên 330 nghìn đồng/bao, cộng thêm chi phí con giống, vắc-xin, điện, nước… “đẩy” chi phí sản xuất lên cao. Theo tính toán, giá lợn hơi phải đạt từ 56-58 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi mới hòa vốn. Trong khi đó, ngày 30-8 vừa qua, nhà tôi vừa xuất bán 500 con lợn với giá 50 nghìn đồng/kg lợn hơi, thua lỗ hơn 300 triệu đồng. Vì thế, từ nay đến cuối năm, tôi sẽ cắt giảm đàn chỉ còn 100 con chứ không dám mở rộng quy mô nuôi.

Còn tại tỉnh Hải Dương, HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt (Thanh Hà) nuôi khoảng 140.000 con, nhưng năm nay số lượng này giảm chỉ còn khoảng 50.000 con. Các hộ thành viên HTX đều không mấy mặn mà với việc tái đàn vì vừa qua HTX đã có khoảng 24.000 con gà quá lứa, phải mất một thời gian mới tiêu thụ hết. Với mức giá khoảng 58.000-60.000 đồng/kg, người nuôi thua lỗ khoảng 10-15 triệu đồng/1.000 con gà. Theo đánh giá của một số hộ chuyên cung cấp con giống gia cầm ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc), vào thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn chuẩn bị cho Tết, trung bình mỗi ngày các cơ sở cung cấp khoảng 9.000 con gà giống thì năm nay đã giảm hơn 30%, chỉ còn khoảng 6.000 con/ngày.

03 kịch bản cho ngành chăn nuôi     

Theo ông Dương Tất Thắng – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, tính 1/7/2021, nước ta có đàn lợn là 26,3 triệu con; gia cầm 518 triệu con; bò thịt 6,3 triệu con và bò sữa 813 nghìn con. Cơ bản ngành chăn nuôi đáp ứng được nhu cầu thịt, trứng trong nước.

Dựa vào tình hình của dịch bệnh Covid-19, Cục Chăn nuôi đưa ra 03 tình huống như sau:

Tình huống 1: Dự báo dịch Covid-19 có thể kiểm soát trong cuối tháng 9 hoặc cuối quý III, nhu cầu thực phẩm tăng trở lại; các chuỗi chăn nuôi, giết mổ, phân phối được giải quyết, lưu thông trở lại thì ngành chăn nuôi phục đủ nhu cầu nội địa và Tết Nguyên đán 2022.

Tình huống 2: Cuối quý IV, dịch Covid-19 mới được khống chế, người chăn nuôi gặp khó khăn để duy trì sản xuất vì giá thành đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra bấp bênh; sức mua thị trường suy giảm nhiều; các chuỗi giết mổ, phân phối không được lưu thông; người chăn nuôi không dám tái đàn, nhiều cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp TACN bị ảnh hưởng, nguồn cung thực phẩm sẽ Tết thiếu 10-20%.

Tình huống 3: Covid-19 kéo dài sau Tết nguyên đán, hàng loạt chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nếu không có giải pháp cải thiện lưu thông, phân phối thì người chăn nuôi bỏ không chuồng trại, nhiều nhà máy TACN vừa và nhỏ bị khó khăn, có thể dẫn đến phá sản. Nguy cơ nguồn cung thực phẩm thiếu 30-40%.

Giá các sản phẩm chăn nuôi có thể cải thiện?

Theo ông Trần Lâm  Sinh – Phó Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhận định về thị trường sản phẩm chăn nuôi cuối năm: Đối với nhóm thịt gia cầm, giá cả khó tăng, chỉ có nhóm gà ta dịp Tết có khả năng tăng lên do cầu  tăng. Còn đối với heo, tổng đàn đang ở mức cao, bằng khoảng 80-90% so với trước dịch, nhưng lực cầu yếu do giảm 40% do bếp ăn Khu công nghiệp, khu chế xuất tỉ lệ hoạt động thấp, người lao động thất nghiệp không có thu nhập. Nếu dịch Covid-19 được khống chế thì giá lợn lên 60.000 đồng/kg.

Ông cũng cho rằng, ngành lợn đang gặp hai khó khăn. Đó là sự uy hiếp của ASF, bởi lẽ, một số doanh nghiệp lớn có lượng lợn thịt còn nhiều, nếu không bán được  nguy cơ dịch bệnh rất lớn; giá TACN còn tiếp  tục tăng làm biên lợi nhuận không nhiều nên người chăn nuôi bỏ trống nhiều lên và chăn nuôi quy mô nông hộ giảm.

Còn theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ngành đang đương đầu với một hoàn cảnh đặc biệt. Hiện tại và trước mắt, nhu cầu về thịt ở các địa phương, đặc biệt là những tỉnh, thành phố giãn cách xã hội giảm. Tuy nhiên, hơn 4 tháng nữa sẽ vào dịp Tết nguyên đán, thời điểm nhu cầu về thịt tăng khoảng 10 – 15%. Do đó, ngành chăn nuôi cũng cần xây dựng kịch bản để đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ giờ đến cuối năm.

“Chúng ta phải cẩn trọng, tránh để mất cân đối cung – cầu thực phẩm. Nếu không đề ra kế hoạch sớm, đảm bảo nguồn cung và giá thịt lợn, rổ hàng hóa CPI sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta giữ được đà tăng trưởng của các tỉnh miền Bắc, khi Covid-19 được khống chế thì thì phần thiếu hụt được ở các tỉnh phía Nam được bù đắp”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam thì cho biết, năm 2020, đàn gia cầm tăng trưởng mạnh, dẫn dẫn tới sản lượng thức ăn chăn nuôi vượt sản lượng thức ăn cho lợn. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, đàn gia cầm chỉ tăng 5,4% so cùng kỳ năm ngoái. Thời gian vừa qua, giá gia cầm xuống thấp không phải là dư nguồn cung, mà là do bị đứt gãy trong khâu thu gom giết mổ. Khác với quả trứng, thịt gia cầm phải qua khâu trung gian là giết mổ, chế biến. Gia cầm nước ta tiêu thụ nhiều ở chợ tạm, chợ truyền thống, chứ chuỗi giá trị gia cầm từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu bộ phận thu gom, giết mổ, chế biến gia cầm ở các chợ truyền thống được tiêm vắc xin và lưu thông trở lại,  tôi tin là thì giá các sản phẩm gia cầm sẽ được cải thiện. Vì vậy, trong thời điểm này, người chăn nuôi gia cầm nên cố gắng vượt qua khó khăn, giữ được đàn để đáp ứng nhu cầu những tháng cuối năm. Loại gà lông trắng với tốc độ quay vòng nhanh thì có thể đảm bảo nguồn cung, nhưng với các loại gà thả vườn, gà lông màu, nếu không chủ động thì khó thể giải quyết được nguồn cung.

Hội Chăn nuôi Việt Nam rất chia sẻ với người chăn nuôi, đặc biệt là người chăn nuôi gia cầm khi đối mặt với khó khăn trong suốt năm 2020 và sang những tháng đầu năm 2021. Hội đã có đề xuất với cơ quan chức năng, Chính phủ hỗ trợ chăn nuôi gia cầm bằng hỗ trợ khôi phục sản xuất và tín dụng cho chăn nuôi gia cầm; cùng với đó, tạo điều kiện để người tham gia lưu thông, giết mổ gia cầm được tiếp cận vắc xin.

Hà Ngân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết