|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng kỹ sư trẻ rời nước Pháp hoa lệ về Bình Phước... trồng bơ, không ngờ thu được tiền tỷ

Từ giấc mơ còn dang dở của người cha, chàng kỹ sư trẻ Đặng Dương Minh Hoàng từ bỏ công việc với mức lương cả nghìn USD ở nước Pháp hoa lệ, về Bình Phước trồng bơ...

Khởi nghiệp từ đống ngổn ngang

Nông trang Thiên Nông ở xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập) của anh Hoàng có tổng diện tích 50ha, trong đó có 12ha diện tích trồng bơ. Nông trang nằm giữa vùng đất đỏ bazan màu mỡ, với rừng cao su và hồ tiêu xanh ngát bao quanh.

Toàn bộ nông trang được được quy hoạch khá bài bản với đường giao thông, điện năng lượng mặt trời, camera theo dõi. Đặc biệt là hệ thống cảm biến, kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và châm phân tự động lắp đặt tới từng gốc bơ.

Anh Hoàng kể, ngày trước, anh được nhận học bổng du học Pháp ngành tự động hóa, rồi trở thành kỹ sư làm việc tại quốc gia này. Về nước, anh tiếp tục làm việc công việc quản lý hệ thống tự động tại một công ty liên doanh trong ngành dầu khí, với mức lương cả nghìn USD. Từ khởi động như mơ, việc chuyển đổi sang làm nông nghiệp là cả một bước ngoặt lớn với chàng trai trẻ.

taannien/ Rời nước Pháp hoa lệ về Bình Phước... trồng bơ - Ảnh 1.

Du khách thích thú tham quan và thưởng thức đặc sản bơ Mã Dưỡng ở nông trang Thiên Nông. Ảnh: NVCC

Thời gian tới, ngoài phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, anh Đặng Dương Minh Hoàng mong muốn kết nối các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp, tổ chức những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm để cùng nhau phát triển mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp.

Lặng đi hồi lâu, Hoàng mới từ tốn kể, gia đình anh ngày trước cũng trồng cao su và hồ tiêu; cũng gặp cảnh bấp bênh vì nông sản rớt giá như bao người dân trong vùng. Nhận thấy bơ Mã Dưỡng là giống cây có tiềm năng kinh tế, cha của Hoàng quyết định chuyển đổi một phần diện tích để trồng thử. Nhưng đang trong quá trình cải tạo đất, cha Hoàng đột ngột qua đời. Công việc để lại là một mớ ngổn ngang.

Không đành lòng nhìn tâm huyết của cha bị tiêu tán, năm 2016, anh quay về tiếp quản nông trang và viết tiếp câu chuyện đặc sản: Bơ Mã Dưỡng Ông Hoàng.

Vốn là dân tay ngang nên quá trình làm nông nghiệp của Hoàng cũng gặp không ít khó khăn. Để tiết giảm công sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc; kinh nghiệm quản lý tự động hóa đã giúp ích cho anh đáng kể.

Quản lý nông nghiệp thông qua các tiện ích được cài đặt trên điện thoại thông minh, Hoàng giám sát, điều khiển và chăm sóc cây trồng hoàn toàn tự động. Cụ thể, thông qua ứng dụng internet kết nối vạn vật (ioT), tất cả những dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng đều có thể được thu thập qua cảm biến.

Dữ liệu này gửi đến điện thoại để các thuật toán phân tích. Từ đó, người dùng sẽ đưa ra các quyết định chăm sóc và thu hoạch sao cho phù hợp. Nếu được cài đặt trước, hệ thống quản lý tự động cũng có thể ra quyết định thay chủ nhân trong các tình huống khẩn cấp như cây trồng bị thiếu nước trầm trọng. Lúc đó, hệ thống quản lý sẽ tự động kích hoạt hệ thống tưới.

Và khi có càng nhiều người sử dụng, cùng thu thập những thông tin đất, nước; các thuật toán càng hiểu rõ về điều kiện tự nhiên ở vùng trồng này. "Từ đó, việc đưa ra cách thức chăm sóc cây trồng càng thêm tối ưu"- anh Hoàng kể.

taannien/ Rời nước Pháp hoa lệ về Bình Phước... trồng bơ - Ảnh 3.

Thu hoạch bơ Mã Dưỡng ở nông trang Thiên Nông. Ảnh: NVCC

Công nghệ cao giúp trồng bơ thu tiền tỷ

Theo chủ nông trang chi phí để đầu tư hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến, hệ thống châm phân cho tới hệ thống tưới tự động hết gần 80 triệu/ha. Tuy nhiên, hệ thống tự động này sẽ tính toán chính xác lượng nước và phân bón cần bổ sung. Người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới; 40% phân thuốc; và hàng trăm công lao động so với cách làm truyền thống.

Nước và phân bón đưa đến tận gốc bơ giúp hạn chế việc bốc hơi làm mất đạm, năng suất cây trồng có thể tăng từ 20 - 25%. Năng suất tăng nên lượng thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế tới mức tối đa để vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa giữ cân bằng hệ sinh thái vườn cây. 

"Cho nên, chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng người trồng tự quyết định được giá trị sản phẩm mình làm ra bằng công nghệ số" - anh Hoàng phân tích.

Sản phẩm trái bơ của anh Hoàng cũng ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Trên các sàn giao dịch điện tử, khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch và đặt hàng.

Đây cũng là bước đi chiến lược giúp thương hiệu "Bơ Mã Dưỡng Ông Hoàng" trực tiếp đến tay người dùng, mở rộng thị trường mà không phải qua thương lái.

Với năng suất bình quân 100 tấn/năm, giá bán dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg; mỗi năm vườn bơ Mã Dưỡng đem lại cho anh Hoàng nguồn thu nhập hơn 5 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Đặc biệt, Nông trang Thiên Nông không chỉ bán bơ Mã Dưỡng cho nội địa mà còn xuất khẩu sang Campuchia, Lào, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Anh Hoàng kể, tiềm năng của trái bơ ở thị trường châu Âu còn rất lớn. Đó sẽ là thị trường đích đến tiếp theo của nông trang Thiên Nông.

"Nông trang đang định hướng mở rộng thêm vùng nguyên liệu trồng bơ liên kết với nông dân. Đồng thời, đầu tư sản xuất tinh dầu bơ nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ cây bơ"- anh Hoàng chia sẻ.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp ở địa phương còn mới mẻ. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực khắc phục những tồn tại, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX và nông dân bắt tay làm nông nghiệp số.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, thâm nhập thị trường có tính toán là hướng đi đúng giúp nông trại Thiên Nông chủ động tiêu thụ nông sản. 

"Ứng dụng Internet vạn vật (ioT) vào trồng trọt chính là chìa khóa để Hoàng tạo bước tiến trong quản lý nông nghiệp và truyền cảm hứng khởi nghiệp cho nhiều thanh niên địa phương" - bà Tuyết nói. ​​​​​​​


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin