|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế biến hạt điều ở vùng giáp ranh

Gần 25 năm khởi nghiệp, Cơ sở Chế biến hạt điều Lê Gia đã nâng cấp trở thành quy mô Hợp tác xã (HTX) Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia ở thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên thuộc vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước với uy tín và giá trị thương hiệu đã và đang đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. 

 
 
Các dòng sản phẩm hạt điều OCOP 4 sao thương hiệu Lê Gia thu hút khách hàng tại Hội chợ thương mại Festival Hoa Đà Lạt năm 2022
Các dòng sản phẩm hạt điều OCOP 4 sao thương hiệu Lê Gia thu hút khách hàng tại Hội chợ thương mại Festival Hoa Đà Lạt năm 2022
 
 
 
Sau khi được trao Chứng nhận các dòng sản phẩm hạt điều rang muối Lê Gia ở thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên được xếp hạng 4 sao OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng, phóng viên tiếp xúc với ông Lê Văn Bảy (sinh năm 1956), Giám đốc HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia ghi nhận một quá trình nỗ lực khởi nghiệp quy mô hộ gia đình từ những năm 1997 - 1999. Với chiếc máy tách vỏ hạt điều bán tự động mua về đầu tiên từ tỉnh Bình Phước đạt công suất 30 kg nhân mỗi ngày, tương ứng với 100 kg trái nguyên liệu, bên cạnh khu vườn điều 2.000 m2 của mình, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy còn thu mua nguyên liệu trái điều phân tán của một số hộ gia đình quanh vùng Phước Cát, huyện Cát Tiên. 
 
“Gia đình tôi định canh định cư tại vùng đất Phước Cát, Cát Tiên đã quen biết nhiều gia đình ở khu vực giáp ranh huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phát triển nghề tách vỏ hạt điều bằng máy bán tự động, có thêm thu nhập hàng tháng. Thời điểm cuối những năm 90 của thế kỷ trước, hộ gia đình tôi với thu nhập hạn chế do ít đất sản xuất, trong đó chiếm không ít diện tích trồng tiêu liên tục mất mùa, nên đã qua huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước học nghề và mua máy về mở cơ sở sơ chế tách vỏ hạt điều”, ông Lê Văn Bảy nhớ lại. 
 
Theo đó, cũng thông qua mối quan hệ quen biết ở tỉnh Bình Phước, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy gặp khá nhiều thuận lợi về khách hàng tiêu thụ sản phẩm. Khoảng 3 năm sau đó - vào năm 2000, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy tích lũy đủ nguồn vốn đầu tư cùng lúc 20 máy tách vỏ hạt điều, thu hút 20 lao động địa phương Phước Cát, Cát Tiên vào làm việc. Hoạt động đồng bộ 20 chiếc máy đã đưa công suất tách vỏ điều mỗi ngày của hộ ông Lê Văn Bảy đạt 2 tấn nguyên liệu, tương ứng với 600 kg thành phẩm. 
 
 
 
Tuy nhiên, đến năm 2005, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy lần lượt tồn kho đến 60 - 70 tấn thành phẩm hạt nhân điều tách vỏ phải bán “cắt lỗ” đến 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân, các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Vũng Tàu… phát triển nhiều doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm điều hạt nhân rang sấy, nên đã cạnh tranh thắng thế sản phẩm hạt điều sơ chế tách vỏ của hộ gia đình ông Lê Văn Bảy. 
 
Thay vì bỏ cuộc, gia đình ông Bảy tiếp tục huy động vốn đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị chuyển sang chế biến sâu sản phẩm hạt điều rang muối trên tổng diện tích 300 m2 nhà xưởng, thu hút 50 lao động địa phương. Nhờ nghiên cứu, dự báo sát hợp thị trường, đồng thời tiếp cận nhanh chóng và áp dụng hiệu quả quy trình chế biến sâu hạt điều rang muối với chất lượng và hương vị khác biệt, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy dần dần khôi phục và tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, giai đoạn 2006 - 2008, ổn định công suất chế biến mỗi năm khoảng 300 - 400 tấn nguyên liệu trái điều, tương ứng 90 - 120 tấn hạt điều rang sấy thành phẩm. 
 
Bước ngoặt mới đến năm 2008, hộ gia đình ông Lê Văn Bảy cùng 6 hộ gia đình khác ở Phước Cát, Cát Tiên cùng thành lập HTX Lê Gia. Trong đó hộ sản xuất nhiều diện tích cây điều nhất với 4 ha; hộ sản xuất diện tích cây điều ít nhất với 2.000 m2. Đến năm 2015, HTX Lê Gia đổi tên thành HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia hoạt động theo Luật HTX mới, trong đó thành viên hoàn toàn tự chủ, thỏa thuận liên kết sản xuất toàn bộ diện tích cây điều gắn với chế biến và tiêu thụ. Hoạt động đột phá chế biến sâu hạt điều từ năm 2018 đến năm 2022, quy mô dây chuyền máy móc khép kín trên tổng diện tích 2.000 m2 tại Phước Cát, Cát Tiên của HTX Thương mại Dịch vụ và Chế biến nông sản xuất khẩu Lê Gia mỗi năm xuất khẩu thành phẩm trung bình khoảng 100 tấn sang thị trường Trung Quốc, châu Âu; 50 tấn ở thị trường nội địa. 
 
Trong năm 2023, thương hiệu hạt điều Lê Gia của vùng nông nghiệp Phước Cát với các dòng sản phẩm hạt điều rang muối đóng lon, hút chân không, bể sạch lụa, bể nguyên lụa, hạt điều sữa hút chân không… tiếp tục mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa với 180 - 210 tấn thành phẩm, tương ứng với 600 - 700 tấn trái điều nguyên liệu thu hoạch trên tổng diện tích 100 - 110 ha sản xuất của hộ gia đình trong và ngoài thành viên HTX.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết