|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chê "gạo thị trường có thuốc", Facebooker Hoàng Anh khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc

Chủ tài khoản Facebook Lương Hoàng Anh làm các doanh nghiệp, các nhà chế biến gạo bức xúc vì vừa có những chia sẻ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Mới đây, bà Lương Hoàng Anh, người từng bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phạt hành chính 12,5 triệu đồng vì thông tin sai sự thật về tỏi Lý Sơn lại làm cho các nhà sản xuất, chế biến gạo bức xúc vì những chia sẻ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng lúa gạo Việt Nam, hạt gạo Việt Nam vốn đã nổi tiếng thế giới từ nhiều năm qua.

Theo đó, trong một clip đăng tải trên Facebook có tên Lương Hoàng Anh, bà Lương Hoàng Anh cho biết đang trồng lúa sạch kèm "caption": "Nôn dễ sợ, không biết giống gạo dinh dưỡng mới này có được đón nhận không. Làm gạo dinh dưỡng thì đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe, nhưng sợ không cạnh tranh với gạo thị trường được về hình thức. Vì không cho thuốc thì nhìn sẽ không trắng bóng được và bảo quản không kỹ sẽ nhanh bị mối mọt. Nhưng yên tâm cả gia đình mạnh khỏe".

Chê "gạo thị trường có thuốc", Facebooker Hoàng Anh khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 1.

Chia sẻ của Facebooker Lương Hoàng Anh trên trang cá nhân đang khiến các nhà chế biến, sản xuất lúa gạo bức xúc.

Trong một bài viết khác, chủ trang Facebook Lương Hoàng Anh lại so sánh với sản phẩm bà cho là "gạo dinh dưỡng" với những sản phẩm gạo khác.

"Thứ nhất là nhìn xấu hơn. Vì không có chà sát kỹ để hạt gạo lộ ra trắng ngần. Không dùng thuốc đánh bóng để hạt gạo nhìn bóng đẹp. Vì giữ nguyên lớp vỏ cám nên nhìn nó xấu xấu xỉn xỉn. Nhưng đổi lại là chúng tôi giữ lại toàn bộ chất dinh dưỡng vốn có của hạt gạo.

Thứ nhì là dễ bị vỡ hạt. Vì chúng tôi chủ yếu trữ lúa ăn đến đâu xay đến đó theo nhu cầu từng khách VIP, nên việc xay lúa sẽ làm bán thủ công. Không thể xay xát công nghiệp hiện đại cho từng đơn hàng nhỏ nên hạt gạo sẽ không nguyên vẹn 100%. Nhưng ưu điểm của việc xay sát thủ công ăn tới đâu làm tới đó là hạt gạo luôn tươi mới ngon cơm và các vitamin không bị oxy hoá.

Thứ ba là rất dễ bị mối mọt. Vì gạo nguyên cám giàu dinh dưỡng thơm ngon thì mối mọt cũng thích. Không dùng bất kỳ hoá chất bảo quản phụ gia gì".

Đáng chú ý, để minh họa cho bài viết của mình cũng như sản phẩm mình định kinh doanh, bà Lương Hoàng Anh còn trích dẫn một bài báo viết từ năm... 2013.

Trên Diễn đàn lúa gạo Việt Nam, diễn đàn tập hợp các nhà sản xuất, chế biến lúa gạo lớn của Việt Nam, rất nhiều ý kiến phản ứng gay gắt với các bài viết của bà Lương Hoàng Anh vì cho rằng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín hạt gạo Việt.

"Gạo bóng do lau bóng chứ thuốc thang gì ở đây. Muốn tâng bốc bản thân làm hại toàn bộ ngành với cả triệu người trong chuỗi", chủ Facebook có tên Nguyen Chi Thanh bức xúc.

"Để bán được một tấn gạo của mình mà làm hại đến hàng triệu tấn gạo của nông dân", chủ Facebook có tên Ngoc Tran Hong nói.

Theo chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở TP.Hồ Chí Minh, việc gạo có được đánh bóng hay làm trắng đều phụ thuộc vào công nghệ xay xát chứ không liên quan gì đến việc sử dụng hóa chất ở đây.

"Nếu như công nghệ cũ qua xát cối thì công nghệ mới nhất hiện nay là qua đầu lau, trường hợp qua xát cối mà cho lướt lại đầu lau để làm sạch cám sẽ trữ được lâu. Nếu bụi cám còn dính lại, ăn nhanh thì được, trữ lâu rất nguy hiểm do bụi cám nhanh hút ẩm và bị côn trùng phá dễ sinh nấm mốc, mối mọt", đại diện doanh nghiệp này nói.

Chê "gạo thị trường có thuốc", Facebooker Hoàng Anh khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo sang rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ nhiều năm nay, về cơ bản không có nước nào ý kiến hay phản hồi chất lượng gạo của Việt Nam. Thương hiệu gạo Việt Nam đã được thị trường quốc tế chấp nhận và ngày một ghi nhận theo hướng cao hơn. Trong ảnh: Làm lễ xuất khẩu gạo thơm sang châu Âu. Ảnh: D.V

Trong một lần trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 5 - 6 triệu tấn gạo sang rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ nhiều năm nay, về cơ bản không có nước nào ý kiến hay phản hồi chất lượng gạo của Việt Nam. Thương hiệu gạo Việt Nam đã được thị trường quốc tế chấp nhận và ngày một ghi nhận theo hướng cao hơn.

Ông Cường khẳng định, ở Việt Nam không có vùng sản xuất lúa nào chuyên cho xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa mà đều chung cánh đồng, chung nguồn nước, chung quy trình canh tác. Trừ một số lô gạo được sản xuất theo đơn đặt hàng riêng của một số đối tác châu Âu, Mỹ theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, nhưng số lượng không đáng kể, không đáng là bao so với giá trị kim ngạch xuất khẩu lúa gạo nhiều tỷ USD mỗi năm của Việt Nam.

Đặc biệt, ông Nguyễn Như Cường cho biết, trong những năm qua ngành lúa gạo Việt Nam được FAO cũng như nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao về những tiến bộ trong quy trình canh tác lúa, trong đó các quy trình quản lý sâu bệnh tổng hợp IPM, ruộng lúa bờ hoa, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng đã được ngành nông nghiệp triển khai áp dụng đồng bộ trên hầu hết các vùng canh tác lúa của Việt Nam.

Được biết, bà Lương Hoàng Anh từng bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ký quyết định hành chính xử phạt 12,5 triệu đồng do tung tin sai về tỏi Lý Sơn trên trang cá nhân.

Theo Điều 45 Luật Cạnh tranh, một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm là: Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;

So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin