Chủ tịch Tập đoàn chăn nuôi lớn nhất miền Bắc: Cứ bán một con lợn lại lỗ mất một con
‘Với giá lợn thịt và lợn hơi như hiện nay, doanh nghiệp chăn nuôi như Dabaco chúng tôi cứ bán ra một con lợn là lại lỗ mất một con. Thị trường đang dư thừa thịt lợn’ – Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So chia sẻ.
Trước thực trạng giá lợn hơi ngày một tụt thê thảm, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Như So cho hay, hiện nay nguồn cung thị trường thịt lợn quá lớn nên dù là doanh nghiệp lớn hàng đầu tại thị trường miền Bắc về chăn nuôi, nhưng Dabaco vẫn gần như không thể bán được hàng vì sức mua không đủ lớn để hấp thụ hết nguồn cung.
“Với giá bán chỉ từ 30.000 đồng đến 33.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay, trong khi giá thịt lợn thành phẩm tới tay người tiêu dùng chỉ 60.000 đồng/kg, chúng tôi đang phải chịu cảnh cứ bán ra một con lợn là lại lỗ mất một con”, ông Nguyễn Như So chia sẻ.
Dabaco hiện là nhà cung cấp cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm cho các lò mổ và các nhà phân phối bán lẻ, cũng như tại hệ thống cửa hàng Dabaco Food. Tuy nhiên, ông So cho biết “bán trực tiếp cho người tiêu dùng còn chả bán được nữa là bán cho các lò mổ”.
Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, số lượng lợn quá lứa chưa xuất chuồng trong cả nước còn khoảng 30%, trong khi đó lợn nhập khẩu vẫn đang tăng mạnh (ảnh minh họa).
Trước thông tin giá bán thịt lợn ngoài chợ và giá bán trong các siêu thị đang có sự chênh lệch đáng kể, trong đó giá thịt lợn trong các siêu thị được phản ánh đắt hơn so với giá thịt lợn ngoài chợ, Chủ tịch Dabaco khẳng định doanh nghiệp này vẫn đang bán “đồng giá”. Dù có muốn nâng giá lên cũng gần như không thể.
“Bây giờ muốn bán còn chả được, làm sao chúng tôi dám nâng giá. Thị trường hiện nay đang dư thừa thịt lợn. Lúc giá thịt lợn cao nhưng các doanh nghiệp không được bán giá cao mà phải hạ giá. Thế nhưng bây giờ giá lợn xuống thấp, doanh nghiệp đang trong tình trạng bán một con, mất một con song không thấy ai nói gì”, ông So chua chát nói.
Theo ông So, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích người dân và doanh nghiệp tái đàn nhiều quá dẫn đến dư thừa. Trong khi đó Việt Nam hiện đang nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài nên đã thừa càng thừa hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chăn nuôi lợn đã hồi phục gần bằng mức trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng nổ. Theo tính toán, trung bình con lợn 1 tạ xuất chuồng, các hộ chăn nuôi lỗ từ 1,5 – 2 triệu đồng. Hiệp hội chăn nuôi dự báo giá lợn hơi còn có thể giảm sâu nữa, xuống mức 25.000 đồng/kg nếu tình trạng thừa cung kéo dài, sản lượng heo đến kỳ xuất chuồng tăng liên tục.
Theo Cục Chăn nuôi, số lợn quá lứa nhưng chưa xuất được trên cả nước hiện khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng. Dù vậy, lợn nhập khẩu vẫn đang tăng mạnh với 257.000 tấn trong 8 tháng đầu năm, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra dự báo nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do các nước xuất khẩu lớn đang dư thừa sản lượng và có giá rẻ hơn so với trước, cụ thể các thị trường EU, Brazil, Mỹ… Đại diện cục này cũng cho rằng cơ chế thị trường thì việc nhập khẩu thịt lợn là… bình thường và cho đó là cơ hội để “tăng sức cạnh tranh trên sân nhà” đối với ngành chăn nuôi trong nước nói chung.
Trước thực trạng trên, các hiệp hội chăn nuôi đang đề nghị Cục Chăn nuôi, xem xét và cần hành động để giúp người chăn nuôi như tạm ngưng nhập khẩu lợn sống, ngưng nhập thịt lợn đông lạnh, tăng kho lạnh để mua dự trữ cho nhà nông và cùng với Bộ Công Thương điều tiết lại giá cả.