Chưa kịp mừng với giá lợn, lại lo dịch tả
Nhiều người chăn nuôi lợn chưa kịp mừng vì giá lợn hơi tăng thì dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát. Cơ hội tái đàn của người chăn nuôi tiếp tục bị thách thức.
Chưa kịp vui mừng
Năm 2020, dịch tả lợn châu Phi được khống chế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Nhưng đến tháng 9 năm nay, bệnh lại xuất hiện tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Tân Biên. Ông Nguyễn Văn Hiếu là một trong những hộ chăn nuôi đầu tiên có lợn bị nhiễm bệnh ở xã Tân Bình (huyện Tân Biên).
Trước đó, ông Hiếu đã có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn 20 năm. Thời gian qua, ông cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vaccine cho đàn lợn. Thế nhưng đến ngày 22/9, 10 con lợn thịt và 1 con lợn nái của ông đã chết, phải tiêu hủy.
Tại xã Tân Xuân (huyện Tân Biên), anh Nguyễn Thanh Tuấn làm trại chăn nuôi lợn giữa rừng trồng cao su. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn hơn 100 con của anh nhiễm bệnh, tiêu hủy; gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế gia đình. Mãi đến đầu năm 2021, anh Tuấn mới dám tái đàn trở lại. Anh cực công gây dựng được 7 con lợn nái, hơn 30 con lợn con. Nhưng cuối tháng 9/2021, dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vườn cao su, thế là 1 con lợn nái và gần 10 con lợn thịt tiếp tục lăn ra chết.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có gần 2.000 con lợn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Dịch đã xảy ra trên địa bàn 25 xã, phường thuộc 8 huyện, thị. Dịch bệnh xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Biên cho biết, tính đến ngày 25/10, toàn huyện Tân Biên đã có 58 hộ dân có lợn bị nhiễm bệnh, với gần 700 con chết và tiêu hủy.
Không chỉ riêng huyện Tân Biên, dịch tả lợn châu Phi cũng đã lây lan ra nhiều địa phương khác của tỉnh Tây Ninh. Mới đây, tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, 60 con lợn của 2 hộ dân cũng đã nhiễm bệnh và phải tiêu hủy.
Ông Lê Đức Đoan - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành cho biết, ngoài yếu tố là ổ dịch cũ thì việc chăn nuôi của nhiều hộ dân chưa bảo đảm khâu vệ sinh. Không chỉ nuôi lợn, trong chuồng trại còn có nhiều loại vật nuôi khác. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát sinh gây bệnh.
"Hiện nay, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác rất dễ phát sinh và lây lan trên diện rộng" - ông Đoan nói.
Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận 110 trường hợp hộ chăn nuôi tại 3 huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và thị xã Hoà Thành có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Số lợn bệnh chết, buộc tiêu huỷ là 1.352 con, tổng trọng lượng hơn 91,3 tấn.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết, địa phương đang tích cực tuyên truyền cho người dân tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời vận động người chăn nuôi thực hiện nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch: Không giấu dịch; không mua bán, không vận chuyển lợn bệnh; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức chưa qua xử lý nhiệt.
Giá lợn hơi tăng nhưng không dám tái đàn
Huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cũng đang nóng lên với tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ông Bùi Văn Hải phải là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm, có quy mô chăn nuôi lớn ở thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp) với hơn 250 con.
Cách đây 1 tuần, giá lợn hơi có chiều hướng tăng trở lại, trong lòng ông Hải đang khấp khởi mừng thầm vì tránh được nguy cơ thua lỗ. Bất ngờ, đàn lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh, ông đã báo ngay cho chính quyền địa phương. Thế mà chỉ vài ngày sau, 180 con lợn của ông nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, phải đem đi tiêu hủy. Những con còn lại cũng đang bỏ ăn, tiếp tục theo dõi. "Dịch bệnh lại tiếp tục gieo rắc nỗi khổ lên người chăn nuôi. Gia đình muốn sụp đổ khi nhìn số lợn sắp xuất chuồng phải tiêu hủy" - ông Hải kể.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, từ giữa tháng 7 đến nay, toàn huyện đã có 24 hộ dân thông báo đàn lợn có dấu hiệu bị dịch tả lợn châu Phi, tổng cộng đã có gần 620 con lợn bị bệnh chết và phải tiêu hủy.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trong năm đã xuất hiện từ giữa tháng 6 tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức. Đến nay, dịch đã lan ra khắp các huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với 44 ổ dịch. Ông Nguyễn Văn Tiến - một hộ dân chăn nuôi lợn lâu năm ở xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) cho hay, để nuôi một con lợn đạt tới trọng lượng 100kg phải tốn khoảng 10 bao thức ăn (loại 25kg); trị giá khoảng 3 triệu đồng. Cộng thêm các khoản chi phí thú y, hóa chất vệ sinh chuồng trại, người chăn nuôi coi như làm không công, thậm chí bị lỗ nếu giá lợn vẫn ở mức dưới 60.000 đồng/kg.
Ông Tiến cho hay giá lợn hơi trên địa bàn bắt đầu tăng trở lại, đạt trên dưới 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, niềm vui này chưa đủ làm người chăn nuôi yên tâm vì dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại, đe dọa đàn vật nuôi. Dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine phòng chống nên rủi ro cho người nuôi lợn là rất lớn. "Một số hộ chăn nuôi cho biết rất muốn tái đàn nhưng hết sức dè chừng" - ông Tiến nói.
Bác sĩ thú y Giao Văn Sĩ - Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh có tổng đàn lợn 412.000 con. Số lượng này không tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vẫn còn khoảng 60% tổng đàn được chăn nuôi từ các hộ gia đình. "Giá lợn hơi đang diễn biến tích cực hơn nhưng việc tái đàn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở chăn nuôi nông hộ chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn" - ông Sĩ chia sẻ.