Chương trình FFF - Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ở Sơn La
Ngay 25/4 Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với Ban Quản lý chương trình FFF II (Trung ương Hội nông dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh với chủ đề "Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ở Sơn La".
Chương trình FFF giúp nông dân phát triển nông nghiệp
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh; Hội nông dân Huyện Vân Hồ, Mộc Châu và các hộ gia đình, tổ hợp tác tham gia Chương trình FFF II
Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tiếp tục tài trợ Chương trình FFF giai đoạn II với mục tiêu nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân làm rừng và trang trại tại Việt Nam, các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc phát triển rừng và trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với chủ đề "Liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ở Sơn La" tại Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh năm 2023 trong khuôn khổ Chương trình FFF II, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã đã trao đổi, làm rõ và sâu sắc thêm thực trạng, nguyên nhân và giải pháp thúc đẩy liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ở Sơn La.
Với các chuyên đề: Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; Thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ trong các HTX, tổ hợp tác, trang trại; Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Sơn La; Giải pháp thúc đẩy vai trò người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển kinh tế rừng bền vững; Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, tiêu thụ các sản phẩm nông sản để người dân có đầu ra tiêu thụ ổn định.
Chương trình FFF Phát triển nông nghiệp bền vững ở Sơn La
Phát biểu tại hội nghị, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La có 408.970 ha đất nông nghiệp, chiếm 28,98% diện tích đất tự nhiên, có 2 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai phì nhiêu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, cây công nghiệp; có 40.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 740 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 24 sản phẩm mang địa danh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; 109 sản phẩm OCOP; 220 khu vực cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; duy trì, phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn (32 chuỗi rau, 152 chuỗi quả, 11 chuỗi chè, cà phê, 28 chuỗi thủy sản an toàn…), đã có 22 mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại FFF 2 triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm 2019 đến nay, với sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành; các đơn vị; các bên liên quan. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả, được Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao.
Thông qua Chương trình, các cấp Hội, các địa phương đã tiếp tục phát triển được các Hợp tác xã, tổ hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất, nâng tầm chất lượng sản phẩm tham gia xây dựng, mở rộng quy mô các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Tiếp tục phối hợp, mở rộng quy mô phát triển sản xuất đối với HTX, THT tham gia thực hiện Chương trình như: HTX Tân Xuân 269 và Tiến Thành huyện Vân Hồ, HTX Rau an toàn tự nhiên, HTX Nông nghiệp hữu có xã Đông Sang huyện Mộc Châu. Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Trong năm 2023, các cấp Hội Nông dân, hội viên nông dân sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức 06 hội nghị bàn tròn cấp xã với trên 200 đại biểu; 02 hội nghị bàn tròn cấp huyện, với sự tham gia của 85 đại biểu ; 02 hội nghị bàn tròn cấp tỉnh 80 đại biểu tham dự nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên nông dân, các THT, HTX trên địa bàn huyện, các xã tham gia FFF về các lĩnh vực trồng trọt, đất đai, bảo vệ môi trường.
Đồng thời tiếp tục xây dựng được các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm dưới tán rừng nâng cao thu nhập cho người nông dân; phát triển được du lịch trải nghiệm; phát triển sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển được các mô hình mới, đi đầu trong sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, cùng các sản phẩm khác.