|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Ngọc Hiển, Cà Mau

Huyện Ngọc Hiển, Cà Mau có 7.000ha nuôi tôm dưới tán rừng được hỗ trợ từ Dự án Chống chịu biến đổi khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD- ICRSL) được coi là hình mẫu về sự thành công trong chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hình thành nhiều tổ nuôi tôm cộng đồng

Theo thống kê, tỉnh Cà Mau hiện chiếm 40% diện tích nuôi tôm với 30% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước, Cà Mau cũng được coi là địa phương đi đầu trong việc phát triển ngành hàng tôm xuất khẩu. Mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tôm của địa phương này cũng đạt hàng tỷ đô la Mỹ.

Không dừng lại ở đó, điều đáng nói là trong thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng ở Cà Mau đang được triển khai và nhân rộng. Cà Mau cũng là địa phương duy nhất cả nước được cấp chứng nhận tôm nuôi hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế đúng theo định hướng phát triển nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu vừa được Bộ NNPTNT công bố.

Trong đó, riêng tại huyện Ngọc Hiển hiện có tới 7.000ha nuôi tôm dưới tán rừng được hỗ trợ từ dự án (MD- ICRSL). Trao đổi với PVm ông Bùi Lũy- người có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm dưới tán rừng cho biết: "Nhận thấy lợi ích từ mô hình này, sau khi bàn bạc với gia đình, tôi đã quyết định thả nuôi tôm trên 6ha rừng, nhờ đó thay vì bỏ không diện tích dưới tán rừng, tôi thu nhập đều đặn 300 triệu đồng/năm".

Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Ngọc Hiển, Cà Mau - Ảnh 1.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững ở Cà Mau.

Thheo ông Lũy, tham gia vào dự án, khi nuôi, ông được hỗ trợ men vi sinh, con giống ban đầu. "Giá tôm sinh thái thường cao gấp 2-3 lần so với giá tôm ở mô hình thường, sản phẩm cũng được các doanh nghiệp xuất khẩu đặt mua. Đặc biệt, gia đình tôi còn được hưởng lời từ chính sách bảo vệ rừng hàng năm"- ông Lũy nói.

Nhìn thấy lợi ích trên, nhiều tổ nuôi tôm cộng đồng ở đây đã được hình thành để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm. Ông Bùi Thanh Tùng, ở xã Ngọc Hiển cho biết: "Nhìn thấy hiệu quả từ mô hình, nhiều bà con đã xin tham gia, khi tham gia vào đây, người dân còn được cán bộ khuyến nông huyện, xã về tập huấn.Hàng tháng bà con họp và chia sẻ kinh nghiệm 1 lần".

Theo anh Quách Nhật Bình- cán bộ Ban Quản ý dự án ODA tỉnh Cà Mau cho biết, với sự hỗ trợ của dự án MD- ICRSL, đã giúp người dân giảm phải thay nước khi nuôi tôm, đồng thời tăng cường tỷ lệ sống của tôm bằng hoạt động ươm dèo nên khi thả ra môi trường tự nhiên tôm giống sẽ sống, phát triển tốt hơn".

Khả quan trong việc nhân rộng mô hình

Hiện tỉnh Cà Mau có tổng diện tích 35.000ha rừng ngập mặn tập trung nhiều ở hai huyện Năm Căn, Đầm Dơi và Ngọc Hiển. Trong đó, hơn 22.000ha được công nhận nuôi tôm sinh thái với gần 5.000 hộ nuôi.

Theo ông Phan Hoàng Vũ- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL đã triển khai "Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau" (gọi tắt là TDA 8). Người dân nuôi tôm trong môi trường rừng ngập mặn ở Cà Mau đạt hiệu quả rất khả quan.

Kết quả cho thấy, mỗi ha nuôi tôm- rừng mang lại lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm tập trung ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Qua dự án này cho thấy, việc sản xuất của người dân thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn. Người dân sinh sống ở đây có điều kiện phát triển các mô hình sinh kế cuộc sống ổn định hơn.

Tính đến nay, tổng diện tích nuôi tôm - rừng của tỉnh Cà Mau đạt khoảng hơn 80.000 ha. Trong đó, các tổ chức đã chứng nhận cho hơn 19.000 ha tôm - rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP,…

Phát huy nguồn lực hỗ trợ từ Dự án MD- ICRSL, tỉnh Cà Mau đang tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi tôm - rừng có hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích người nuôi áp dụng các quy trình kỹ thuật mới thân thiện môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ sản xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái đầu tư vốn, kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế để được chứng nhận.

Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD- ICRSL) bao gồm 5 hợp phần với 16 tiểu dự án. Trong đó có 6 tiểu dự án về nâng cao khả năng quan trắc, dự báo, phân tích cơ sở dữ liệu và 10 tiểu dự án tập trung cho việc đầu tư hạ tầng, phát triển sinh kế cho các vùng được lựa chọn. Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2022.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin