Công nghệ cao là xu thế, nông nghiệp Việt không thể đứng ngoài cuộc
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị online với chủ đề: “Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ngày 19/7.
Nông nghiệp công nghệ cao, thông minh-hiệu quả lớn không thể phủ nhận
Nông nghiệp thông minh được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa,... ); công nghệ sản xuất, bảo vệ sản phẩm an toàn (hữu cơ, theo GAP…); công nghệ quản lý, nhận diện sản phẩm theo chuỗi... gắn với hệ thống trí tuệ nhân tạo (công nghệ thông tin).
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu các nghiên cứu về các mô hình quản trị số để thiết kế được các nền tảng phần mềm phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị; cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp còn chưa phát triển; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; mỗi doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của một nhà cung cấp khác nhau nên các sản phẩm cho nông nghiệp thông minh trên thị trường chưa đồng bộ hoặc không giao tiếp được với nhau; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên các nền tảng số, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Khởi nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thông minh, triển vọng và thách thức".
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nông nghiệp Việt Nam không thể phủ nhận là lĩnh vực có lợi thế quốc gia rất lớn. Từ năm 2008, khi Việt Nam hội nhập thì nông nghiệp phát triển rất nhanh. Nông nghiệp công nghệ cao-thông minh đã trở thành yếu tố hàng đầu đem lại hiểu quả cho kinh tế nông nghiệp, từ quy mô, công nghệ, quản trị... đấy là tiến bộ rất lớn không thể phủ nhận.
Thực tế, theo ông Tiến, nếu quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ thì không thể đầu tư công nghệ được. Quy mộ nhỏ sẽ làm sản phẩm nông nghiệp Việt bị đội giá, không thể cạnh tranh nổi. Do đó, để khắc phục các điểm yếu này, Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt để thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Luật Đất đai cũng khuyến khích tích tụ đất, mở rộng sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Chúng ta cũng khuyến khích sử dụng đa mục tiêu đất đai để người dân có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều mô hình lớn không chỉ làm nông nghiệp mà còn kết hợp tham quan du lịch sinh thái, tăng được giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Ông Tiến cho rằng, đội ngũ những nhà nông công nghệ cần sớm tiếp cận được các chính sách ưu việt của Nhà nước hiện nay, có đội ngũ tư vấn để các chính sách tốt đến được với mình; qua đó tiếp cận cả vốn, hỗ trợ của Nhà nước, tiếp cận về khoa học công nghệ; có đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ; có như vậy các hợp tác xã, nông dân làm công nghệ cao có thể tổ chức sản xuất tốt hơn.
Cuối cùng theo ông Tiến, công nghệ cao chính là xu thế tất yếu, nông nghiệp của ta khong thể đứng ngoài cuộc nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh. Công nghệ cao chính là giải pháp để nền nông nghiệp kiểm soát được an toàn thực phẩm; đem lại chất lượng cao cho sản phẩm; truy suất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cho đến bao bì đóng gói... Chỉ có áp dụng công nghệ cao mới giúp các sản phẩm nông sản của ta vượt qua được các rào cản kỹ thuật ngày càng cao và khắt khe của thị trường xuất khẩu...
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) cũng bày tỏ, hơn 10 qua ông đã chứng kiến được sự chuyển mình và thay đổi rõ rệt của nông nghiệp trong nước. Trước đây nhắc đến các hoạt động nông nghiệp thì thường là điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt.
Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn.
Theo ông Trung, công nghệ cao giúp cho các doanh nghiệp, HTX, nhà nông xây dựng được thương hiệu, uy tín cho từng sản phẩm của mình. Để thành công, người làm nông nghiệp công nghệ cao không thể bỏ qua các khâu uy tín, trung thực; phải xây dựng tốt các kênh phân phối online; nếu áp dụng tốt tất cả các khâu sẽ giúp cho nhà nông giảm được phí, tăng giá trị sản phẩm và cạnh tranh tốt trên thị trường...
"Phát triển nông nghiệp thông minh, chúng tôi chỉ mong được tháo gỡ về vốn"
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.
Nông dân Trần Văn Tân (Quảng Xương, Thanh Hóa) - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới.
Có mặt tại Hội nghị ở điểm cầu Thanh Hóa, ông Trần Văn Tân - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, người đã góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần.
Ông Trần Văn Tân chia sẻ: Năm 2018 tôi dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn như: tích tụ ruộng đất; cơ chế thủ tục…Giai đoạn đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao còn mới mẻ với chúng tôi.
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không làm chúng tôi nản lòng. Với nhiệt huyết của thanh niên, tuổi trẻ tôi đã tiếp tục dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa. Nếu như trước đây, cây rau má mọc dại ở nhiều nơi thì hiện nay chúng tôi đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển trên 200ha. Trong quá trình khởi nghiệp nếu muốn thành công thì điều đầu tiên phải xây dựng được vùng nguyên liệu và liên kết với nông dân, HTX để cùng phát triển.
Sau khi liên kết với nông dân cũng đã giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đặc biệt không để đất bỏ hoang. Hiện giá thu mua rau má tươi của chúng tôi 15.000 – 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 – 15 triệu đồng/tháng, có những hộ thu nhập cao nhất 40-60 triệu đồng/tháng.
Để liên kết bền vững, chúng tôi cung ứng phân bón, thuốc BVTV, kỹ thuật, người dân chỉ bỏ công sức và đất đai để trồng rau má. Hiện nay, chúng tôi đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân, hàng chục HTX để trồng và nhập nguyên liệu rau má. Nhà máy chế biến cũng đã đi vào hoạt động ổn định 2 năm nay. Nhờ đó, sản phẩm chế biến từ rau má đã được xuất khẩu sang các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Úc…Tháng 9 tới đây một đối tác ở Nhật Bản đã mời chúng tôi sang để hợp tác nhập khẩu bột rau má.
Không chỉ ông Trần Văn Tân, mà ông Nguyễn Đức Chinh - Chủ trang trại Gen Xanh, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - nông dân Việt Nam xuất sắc tại điểm cầu Hà Nội cũng đồng tình và chia sẻ, hiện nay trang trại của ông Chinh đang xuất bán 4-5 tấn rau hữu cơ các loại cho khách hàng Hà Nội, dự kiến thu nhập bình quân đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm.
"Để đưa ra quyết định xây dựng trang trại như bây giờ, thì ý tưởng hình thành trang trại đã phải có từ trước rất nhiều. Trong quá trình làm việc ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tôi được tiếp xúc với nhiều nền nông nghiệp tiên tiến như Úc, Israel, ở những nước này điều kiện thiên nhiên không được ưu đãi, không được thuận lợi như nước ta" - ông Chinh kể.
Cũng tại hội nghị, ông Lâm Ngọc Tuấn - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP.HCM cho biết, chúng tôi trồng rau thủy canh ở Thủ Đức từ 2017 đến 2023. Nhận thấy tiềm năng tự cung tự cấp sản phẩm rau thủy canh của TP.HCM quá lớn nên HTX của ông Tuấn đã phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao.
Khó khăn của HTX là đất đai, diện tích đất ngày một giảm nên HTX xác định phải áp dụng công nghệ để diện tích đất canh tác ít vẫn cho năng suất cao được. Chưa kể, theo ông Tuấn, áp dụng công nghệ cao giúp cho chất lượng rau thủy canh ổn định hơn, có thể sản xuất quanh năm. Việc trồng rau công nghệ cao còn giúp hạn chế được nhiễm khuẩn, kim loại nặng, đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. HTX của ông Tuấn hiện cung cấp rau cho thành phố qua hệ thống siêu thị rất lớn, cho thấy rõ phát triển nông nghiệp công nghệ vô cùng quan trọng.
"Thực tế sản xuất của chúng tôi cho thấy áp dụng công nghệ cao cho hệ thống thủy canh giúp tiết kiệm nước, nhân lực trồng rau, tối ưu hóa điện, phân bón... đem lại năng suất cực cao, vì trồng nhà lưới, nhà màng nên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Canh tác công nghệ cao của chúng tôi không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, nước thải ra môi trường hạn chế mà còn tái sử dụng công cụ công nghệ cao cho trồng cây thủy canh được"-ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, trong quá trình sản xuất HTX của ông Tuấn cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là vốn đầu tư cao, nếu làm 1.000m thì vốn đầu tư phải lên tới 1 tỷ đồng. Thứ hai người làm nông nghiệp công nghệ cao phải am hiểu, có kiến thức; phải thay đổi tư duy thói quen, phải học hỏi vì công nghệ thay đổi thường xuyên.
Tại hội nghị, nhiều đơn vị cho rằng, họ vay vốn khó khăn, chưa vay được vốn công nghệ cao mà phải vay thương mại, ngắn hạn nên sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều nước đã áp dụng hỗ trợ vốn vay 0% lãi suất, hỗ trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao (như Quota); trong khi nhiều HTX, trang trại công nghệ cao trong nước phải vay vốn với lãi suất lên tới 9,5%; vay thương mại lên tới 12-13% thì sản phẩm của Việt Nam chưa thể cạnh tranh nổi.
Anh Lâm Ngọc Tuấn – Giám đốc HTX Tuấn Ngọc mời khách tham quan ăn rau sạch trực tiếp tại vườn trồng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Tuấn cho rằng, khi trồng rau thủy canh thì 90% là tự động nên tiết kiệm được nhân lực, sản phẩm được tối ưu hóa nhiều hơn. Nếu làm truyền thống 1.000m chỉ có thể thu hoạch 40-50kg rau/ngày, nhưng áp dụng công nghệ cao có thể đem lại 120-150 kg rau/ngày; tương tự nhận lực từ 3-4 người nếu áp dụng công nghệ chỉ cần 1 người. Chưa kể, công nghệ quản lý từ xa cũng được thực hiện tốt hơn. HTX của ông Tuấn hiện còn phát triển thêm 1 trang trại ở Ninh Thuận 4.000m (năng suất 150kg rau/1.000m), vận chuyển chỉ mất 8 tiếng là có thể tới TP.HCM. Do đó, nếu được hỗ trợ vay vốn, những nhà nông công nghệ cao như ông Tuấn sẽ sản xuất thuận lợi hơn nhiều, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các địa phương.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt chia sẻ: Tại Việt Nam, khởi nghiệp nông nghiệp thông minh còn gặp nhiều khó khăn như về máy móc, vốn, thị trường... Ông Hoài mong rằng, sau hội nghị này các đại biểu sẽ chia sẻ và truyền các kinh nghiệm quý báu, hữu ích để lan tỏa và giúp các nông dân, nhất là có thêm nhiều người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp thông minh thành công và bền vững hơn.
"Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao thực sự đang là một trong những xu hướng được nhiều nông dân, hợp tác xã áp dụng, và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp"-ông Hoài nói.