|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng sản phẩm rau quả chế biến gắn với nhu cầu thị trường

Sáng 7/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”. Tại diễn đàn, những thông tin về công nghệ chế biến, bảo quản rau quả; tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu… đã được các đại biểu đưa ra nhằm thúc đẩy hoạt động chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các vùng sản xuất đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như xuất khẩu.

 

Da dang san pham rau qua che bien gan voi nhu cau thi truong hinh anh 1

Sản phẩm măng tươi đóng gói của Công ty cổ phần Kim Bôi (Hòa Bình) được xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Phát triển công nghệ chế biến phù hợp với quy mô

Thông tin về lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện có 157 cơ sở chế biến với công suất đạt gần 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Nhìn chung quanh năm các nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu. Công suất đạt bình quân chỉ khoảng 56 - 60% do khó tập trung nguyên liệu, chế biến theo mùa vụ, chất lượng an toàn thực phẩm chưa đạt được như kích thước, mùi vị, màu sắc, độ đồng đều…

Bên cạnh đó, có hàng nghìn cơ sở sơ chế, chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình ở khắp mọi vùng miền với các loại rau quả khác nhau, hình thức khác nhau. Tuy nhiên, những cơ sở, doanh nghiệp chế biến này rất thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ, khó khăn về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

Về tỷ trọng sản phẩm chế biến: đồ hộp chiếm 50%, sản phẩm nước quả cô đặc 18%, chiên sấy (12%), nước giải khát (10%), sản phẩm đông lạnh (8%),… Tỷ trọng giá trị sản phẩm rau quả chế biến xuất khẩu so với giá trị xuất khẩu rau quả năm 2020 mới đạt 18%.

Trên cơ sở đó, ông Ngô Quang Tú cho rằng, để tổ chức lại sản xuất, địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu được kết nối theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật về liên kết để có những chế tài xử phạt, có quy định điều phối các hoạt động liên kết…

Với phần lớn là cơ sở sơ chế, chế biến là nhỏ lẻ, PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho rằng, việc định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết. Có 4 nhóm sản phẩm phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là rau quả tươi, rau quả sấy, rau quả đông lạnh và rau quả đồ hộp.

“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã thì có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau, quả chế biến”, ông Phạm Anh Tuấn chỉ ra.

Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần đầu tư và công nghệ phù hợp cho đối tượng này. Để lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế, bảo quản, chế biến rau quả phù hợp với quy mô nhỏ, vừa, các đơn vị cần lưu ý các yêu cầu như: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cuối cùng mới đến đăng ký chất lượng, thương mại hóa sản phẩm.

Nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu

Cập nhật thông báo các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật (SPS) liên quan đến rau quả chế biến của một số thị trường trọng điểm 6 tháng đầu năm 2022, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, trong nửa đầu năm 2022, các nước thành viên WTO đã có 504 thông báo, tăng 9% so với cùng kỳ.

Điển hình, Nhật Bản đã có 65 thông báo lấy ý kiến và có hiệu lực liên quan đến mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y (MRL) trong các sản phẩm thực phẩm.

Với thị trường Trung Quốc, nước này không có thông báo thay đổi biện pháp SPS liên quan đến sản phẩm rau quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm rau quả/chế biến sang thị trường Trung Quốc tuân thủ theo các quy định Lệnh 248 và Lệnh 249; các thỏa thuận đã ký giữa hai bên. Đến ngày 7/7, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam 2.213 mã sản phẩm của hơn 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023, ông Ngô Xuân Nam cho biết.

Về EU, thị trường này đã có 25 thông báo lấy ý kiến và có hiệu lực liên quan đến mức dư lượng tối đa cho phép MRL trong các sản phẩm thực phẩm; trong đó có Thông báo về tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu đối với một số quốc gia, trong số đó có Việt Nam về sản phẩm rau gia vị, hạt tiêu và đậu bắp chịu tần suất kiểm tra là 50%, từ ngày 06/01/2022.

Bên cạnh đó, EU cũng đã có 2.251 cảnh báo trên Hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Trong số đó Việt Nam chỉ có 40 cảnh báo (chiếm 1,77%); riêng mặt hàng rau quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam cho biết thêm, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. Bên lề phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO mới đây, Đoàn công tác Việt Nam đã có buổi họp song phương với phía EU. Tại buổi làm việc, Việt Nam đã đề xuất giảm tần suất lấy mẫu kiểm tra thanh long Việt Nam (hiện đang là 20%). Hai bên đã thống nhất sẽ rà soát lại toàn bộ số liệu về xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường này và đánh giá sự cải thiện về an toàn thực phẩm. Dự kiến cuối năm hai bên sẽ họp đánh giá để giảm tần suất kiểm tra thanh long xuất khẩu sang EU. EU cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản.

“Doanh nghiệp cần kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép trong sản phẩm. Đặc biệt lưu ý việc khai báo các chất phụ gia trong chế biến, hay những vấn đề tác động đến cảm quan sản phẩm như dập…”, ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Chẳng hạn, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.

Với EU, ví dụ sản phẩm mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại như: sâu đục lá, sâu đục cuống…

Các hợp tác xã, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là những trái cây, rau ăn lá nằm trong nhóm các thị trường yêu cầu, bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Bích Hồng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin