|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đạ Huoai đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ từ sầu riêng

Là “thủ phủ” sầu riêng của Lâm Đồng, Đạ Huoai đang dồn lực để phát triển bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ; qua đó, tạo ra các sản phẩm sầu riêng sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường.

Huyện Đạ Huoai đang đẩy nhanh phát triển sầu riêng hữu cơ để nâng cao giá trị

Huyện Đạ Huoai đang đẩy nhanh phát triển sầu riêng hữu cơ để nâng cao giá trị

Huyện Đạ Huoai hiện có hơn 15.270 ha đất sản xuất với nhiều loại cây trồng chính như điều, sầu riêng, cao su, dâu tằm và chè dưới tán điều. Giá trị bình quân cây trồng trên địa bàn huyện đạt khoảng 90 triệu đồng/ha.

Từ lâu, huyện Đạ Huoai vốn được biết đến là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, với gần 4.174 ha sầu riêng. Trong đó, có gần 2.200 ha đã cho thu hoạch, với sản lượng bình quân đạt hơn 25.000 tấn/năm. Hiện nay, người dân Đạ Huoai chủ yếu trồng các loại sầu riêng ghép có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao như đôna, ri6 và mong thong. Theo thống kê, năng suất sầu riêng huyện Đạ Huoai ước đạt từ 12 - 13 tấn/ha. Thậm chí có những vườn sầu riêng sản xuất theo công nghệ cao đạt năng suất từ 15 - 17 tấn/ha.

Xã Hà Lâm được xem là “trái tim” của “thủ phủ” sầu riêng Đạ Huoai, với hơn 1.500 ha. Những năm gần đây, sầu riêng đã mang lại nguồn thu trên từ 800 - 1.000 tỷ cho người dân Đạ Huoai. Đây chính là điều kiện quan trọng để huyện Đạ Huoai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hiện tại trên địa bàn huyện, đã có một số cơ sở nông hộ mạnh dạn đầu tư và thành công trong việc tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng như Công ty CP VINASAURIENG, Công ty TNHH Nông sản Bảo Thi với sản phẩm sầu riêng đông lạnh đóng hộp có giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, việc thu mua còn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể so với tổng diện tích sầu riêng toàn huyện. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đạ Huoai còn có nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người nông dân để thu mua sầu riêng xuất khẩu. Ngoài ra, địa phương đang kết nối tiêu thụ sầu riêng cho nông dân với nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Long Thủy, Công ty CP Tập đoàn Trung Bảo Tín, Tập đoàn Lộc Trời, Cty Cổ phần Ylang Holdings… Hiện tại, các đơn vị đã có cam kết và đang xúc tiến các hoạt động thương thảo với các hợp tác xã, hộ nông dân để thu mua nông sản năm 2022 và các năm tiếp theo. Song, nhìn chung sản lượng sầu riêng trên địa bàn huyện Đạ Huoai vẫn được các vựa thu mua để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Đến nay, đối với cây sầu riêng, toàn huyện hiện có 538 hộ sản xuất theo các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, 537 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích chứng nhận còn hiệu lực là 602 ha và 1 hộ/6 ha đang triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Với những hiệu quả đang mang lại, huyện Đạ Huoai có điều kiện tự nhiên đa dạng để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, người nông dân có trình độ và tiếp thu nhanh công nghệ mới. Từ đó đã từng bước hình thành thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, luôn quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Đối với người nông dân bước đầu tiếp cận sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP trên cây sầu riêng.

Theo ông Phạm Quang Chiến - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai, suốt những năm qua, sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” được cung cấp ra thị trường dưới dạng trái sầu riêng tươi và sầu riêng đóng hộp. 

Đến nay, sau 6 năm triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu huyện Đạ Huoai đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đối với 27 hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân với diện tích 508 ha của 488 hộ nông dân trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở các xã: Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ P’loa, Đoàn Kết, Đạ Tồn, Đạ Oai và thị trấn Đạ M’ri. Sản phẩm sầu riêng được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận, được bán tại các cửa hàng bán nông sản sạch trên cả nước và có giá bán cao hơn từ 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại.

Trong năm 2019, huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc Sầu riêng Đạ Huoai cung cấp cho các tổ chức, cá nhân 822.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Năm 2021 đã cấp 79.635 tem dán trái cho 57 hộ thuộc 8 Tổ hợp tác trồng sầu riêng trên địa bàn các xã Đạ P’loa, Hà Lâm, Phước Lộc, Đạ Oai, Đoàn Kết, thị trấn Đạ M’ri và thị trấn Mađaguôi. Từ đó, giúp sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” tiếp cận với thị trường trong nước và vươn ra thị trường xuất khẩu đáp ứng với yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe. Từ tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm và dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm bằng phần mềm quét mã QR qua ứng dụng Zalo hay phần mềm Agrichek.

Ông Lưu Hồng Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, cho biết: “Để hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều gói hỗ trợ để người nông dân tiếp cận với nông nghiệp sạch. Theo đó, địa phương đang hỗ trợ 100% sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại địa phương lên sàn giao dịch điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho người dân, doanh nghiệp. Theo dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện phát triển nông nghiệp hữu cơ (chủ yếu là sầu riêng) giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 7,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 1,88 tỷ đồng và kinh phí của các tổ chức, cá nhân đối ứng khoảng 5,55 tỷ đồng”.

Với các biện pháp, quy trình đang triển khai, huyện Đạ Huoai đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục giúp địa phương trong việc thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng trên địa bàn huyện; tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua đáp ứng được yêu cầu khi xuất khẩu. Tiếp tục giới thiệu các đơn vị có uy tín, có năng lực về thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng đến đầu tư trên địa bàn huyện nhằm nâng cao hiệu quả, sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết