|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dâu tằm - cây xóa nghèo cho bà con vùng cao Bảo Lạc

Bảo Lạc là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng, cách xa trung tâm tỉnh, điều kiện sản xuất khó khăn, trình độ sản xuất của người dân còn nhiều hạn chế nên việc phát triển kinh tế ở đây gặp rất nhiều trở ngại. Mới đây, huyện đã tìm ra một mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xóa nghèo bền vững cho người dân từ chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống sang trồng dâu nuôi tằm.

Dau tam - cay xoa ngheo cho ba con vung cao Bao Lac hinh anh 1

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một hộ dân xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Mô hình trồng dâu nuôi tằm triển khai tại Bảo Lạc từ năm 2011 trên diện tích 3 ha của 11 hộ dân ở xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba. Qua thử nghiệm, việc trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao kinh tế cho người dân sinh sống tại xã biên giới này.

Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cô Ba cho biết, trước đây người dân vốn chỉ quen với trồng lúa, ngô, mấy năm gần đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm giàu chính đáng bằng nghề trồng dâu nuôi tằm ngay trên mảnh đất của mình. Sau khi 11 hộ dân trồng thử nghiệm, nhận thấy trồng dâu nuôi tằm mang hiệu quả kinh tế cao, xã Cô Ba đã nhân rộng mô hình, đến nay cả 10 xóm của xã đều trồng dâu nuôi tằm với gần 93 ha dâu, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng cây ngô và lúa.Từ thành công của các mô hình trồng dâu nuôi tằm, năm 2019, huyện Bảo Lạc đầu tư gần 700 triệu đồng từ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất nương rẫy, quy mô 13 ha tại hai xã Bảo Toàn, Hồng Trị với 51 hộ dân tham gia, thời gian thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2017.

Sau 1 năm triển khai, mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất nương rẫy tại hai xã Bảo Toàn và Hồng Trị đạt kết quả tốt, năng suất lá bình quân đạt 15 tấn/ha, đảm bảo cung cấp thức ăn đủ nuôi 13 - 14 lứa tằm/năm, sản lượng kén bình quân thu được 900 - 1.000 kg/năm, 1 ha thu lãi khoảng 90 triệu đồng, lãi gấp 17,8 lần so với trồng ngô và gấp 23,6 lần so với trồng lúa.

Dau tam - cay xoa ngheo cho ba con vung cao Bao Lac hinh anh 2

Nhiều hộ gia đình ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Tô Hiệu - TTXVN

Anh Nông Văn Hoàn, xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị (Bảo Lạc) là điển hình làm giàu từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Năm 2017, nhận thấy diện tích trồng dâu nuôi tằm ở địa phương khá lớn, thu nhập kinh tế từ dâu tằm khá cao, anh Hoàn sang huyện Nà Po, Quảng Tây, Trung Quốc học ươm trứng giống tằm con.

Sau 6 tháng học xong trở về địa phương, anh đầu tư xây dụng cơ sở hạ tầng, tiến hành ươm trứng giống tằm con. Năm 2019, anh thành lập hợp tác xã nông nghiệp cung ứng vật tư đầu vào trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Anh Nông Văn Hoàn chia sẻ, lợi nhuận từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn trồng lúa, ngô, đã tạo động lực cho nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khiến cho việc bán sản phẩm sang Trung Quốc gặp khó khăn. Từ thực tế đó, tôi tìm hiểu và ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các xưởng ươm tơ tại tỉnh Nam Định nên người dân hoàn toàn có thể yên tâm sản xuất.

Hiện nay, huyện Bảo Lạc có trên 230 ha dâu tằm, riêng từ đầu năm 2021 đến nay trồng thêm được 32,7 ha, phân bố ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn, Hưng Đạo, Đình Phùng.

Từ đầu năm 2021 đến nay sản lượng kén tằm xuất bán được 19,55 tấn, trị giá gần 3 tỷ đồng. Vốn đầu tư trồng dâu, nuôi tằm không lớn, khoảng 30 triệu đồng gồm mua hom giống dâu, phân bón, vật dụng nuôi... Việc đầu tư cây giống chỉ thực hiện trong năm đầu tiên; nếu biết cách chăm sóc, phòng trừ bệnh tốt sẽ sớm cho thu hoạch, thời gian sống của cây dâu có thể kéo dài 10 - 15 năm.

Chị Lãnh Thị Mai, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bảo Lạc cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh trồng dâu nuôi tằm, coi đây là nội dung đột phá phát triển nông nghiệp an toàn và phát triển cây đặc sản theo hướng hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025 của huyện.

Để dâu tằm thực sự trở thành hàng hóa, nông dân yên tâm sản xuất, huyện tăng cường hướng dẫn, tập huấn áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao chất lượng kén tằm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác mua hàng. Khuyến khích các hợp tác xã đầu tư, bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định thị trường tiêu thụ; sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giống cây dâu tằm cho người dân.

Đặc biệt, trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lạc đang là hướng đi đúng đắn góp phần thay đổi diện mạo vùng cao biên giới. Vì vậy, huyện đang tiếp tục tuyên truyền cũng như hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

Quốc Đạt


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin