|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã tích cực phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khảo nghiệm và đánh giá một số giống sắn tiềm năng, có khả năng kháng bệnh, đạt năng suất và hàm lượng tinh bột cao. Có 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành tại vùng Đông Nam Bộ. Hiện, các giống sắn này đang được đẩy mạnh nhân giống để cung cấp giống sắn sạch bệnh cho người dân.

 

Day manh nhan giong san khang benh kham la hinh anh 1

Thu hoạch sắn giống HN1 kháng khảm tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Bệnh khảm lá gây thiệt hại nặng cho cây sắn

Tại buổi tìm hiểu giống sắn kháng bệnh khảm lá ở Tây Ninh, ông Vũ Đức Dũng, ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương đang canh tác các giống sắn bị nhiễm khảm lá nặng là KM94, KM140, năng suất chỉ đạt 20 - 25 tấn/ha, với các giống sắn này, tỷ lệ bị nhiễm bệnh khảm lá là 100%. Từ năm 2020 đến nay, diện tích trồng sắn tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng các nhà máy chế biến sắn có nguy cơ phải đóng cửa, nếu bệnh khảm lá sắn không được khống chế.

Hiện nay, người dân ở Nghệ An đa số phải sử dụng cây giống bị nhiễm bệnh để tái sản xuất; ở giai đoạn cây con thì tỷ lệ thiệt hại do bệnh khảm lá là 100%, ở giai đoạn cây đã bắt đầu hình thành củ thì tỷ lệ thiệt hại khoảng 30 - 70%. Ở địa phương đã có nhiều diện tích trồng sắn phải cày bỏ do bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ nặng. Gần đây giống sắn mới HN1, HN5 đã được Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho trồng thử nghiệm tại tỉnh Nghệ An. "Kết quả các giống sắn này có khả năng thích ứng tốt, cho năng suất và hàm lượng bột cao; tuy nhiên lượng sắn giống kháng bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu giống của người nông dân", ông Vũ Đức Dũng cho biết thêm.

Day manh nhan giong san khang benh kham la hinh anh 2

Kiểm tra tình trạng nhiễm bệnh khảm lá trên cây sắn tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Phú – TTXVN

Ông Lý Văn Trí, ở ấp Thạnh An, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay nông dân trồng sắn ở huyện Châu Thành đa số sử dụng giống sắn KM505, nhưng giống sắn này vẫn đang bị nhiễm bệnh khảm lá, làm cho năng suất sắn giảm sút đáng kể. Hiện gia đình ông đang trồng 3 ha sắn (giống KM505) với năng xuất bình quân chỉ khoảng 27 - 30 tấn/ha (các giống sắn kháng bệnh khảm năng suất bình quân 45 - 50 tấn/ha).

Cũng theo ông Lý Văn Trí, hiện nay tại tỉnh Tây Ninh đã lưu hành nhiều giống sắn mới như HN1, HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá, cho hàm lượng tinh bột và năng suất cao hơn, nhưng việc cung cấp các giống sắn mới chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ông mong muốn ngành nông nghiệp sớm đẩy mạnh triển khai nhân giống, chuyển giao giống sắn mới có khả năng kháng sâu bệnh để người nông dân được tiếp cận, nâng cao năng suất vụ mùa, gia tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống.

Ông Bùi Công Ngọc, thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đăng Quang, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, bệnh khảm lá trên cây sắn có thể gây thiệt hại rất lớn. Ở tình trạng nhiễm bệnh nặng thì vụ mùa có thể mất trắng. Hiện nay các giống sắn mới kháng được bệnh khảm lá, có sức đề kháng mạnh, chịu hạn tốt, do đó giảm được các chi phí đầu tư chăm sóc, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với các giống cũ. Hiện các giống sắn kháng bệnh khảm lá chỉ mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành ở khu vực Đông Nam Bộ, nhưng thực tế các giống sắn này đã được trồng thử nghiệm ở nhiều tỉnh thành khác và cho hiệu quả cao. Ông Ngọc mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu nhân rộng các giống sắn này để người dân có điều kiện tiếp cận, thay thế giống sắn cũ, tránh gây thiệt hại cho nông dân.

Ông Huỳnh Phú Quốc, ở ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, hiện ông đang trồng được 0,5 ha sắn giống HN1 để làm giống, cây phát triển tốt, tán lá rộng, cây cao, năng suất củ và hàm lượng tinh bột vượt trội hơn so với các giống sắn được trồng trước đây. Lý do ông chưa triển khai trên diện tích lớn bởi giá sắn giống kháng khảm lá hiện nay khá cao (khoảng 200.000 – 270.000 đồng/bó 20 cây, mức trồng cho 1 ha cần khoảng 50 bó), do đó để tiết kiệm chi phí đầu tư giống, ông chỉ trồng diện tích nhỏ để nhân giống.

Tập trung nhân rộng giống sắn sạch bệnh

Bà Cù Thị Lệ Thủy, Quản lý chương trình lai tạo giống sắn - Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) cho biết, để đáp ứng được nhu cầu sắn giống kháng bệnh khảm lá cho người dân còn phụ thuộc vào các cơ quan quản lý Nhà nước và ngành nông nghiệp. Theo kết quả nghiên cứu, ở từng giống cụ thể thì bệnh khảm lá sắn có thể gây thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, giao động từ 10 -90%, đồng thời khi người nông dân sử dụng cây giống bị nhiễm bệnh để tái sản xuất sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ mùa và kết quả sản xuất.

Day manh nhan giong san khang benh kham la hinh anh 3

Giống sắn kháng khảm được trồng nhân rộng tại tỉnh Tây Ninh cho năng suất tinh bột cao. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Ông Jonathan Craig Newby– -Giám đốc Chương trình Sắn toàn cầu - Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) cho rằng, để ngành sắn Việt Nam phát triển ổn định cần đảm bảo các phương án và giải pháp dự phòng trong việc nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, tính đến cuối năm 2021, bệnh khảm lá trên cây sắn gây sụt giảm khoảng 15% sản lượng sắn tươi cả nước, tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, ước tính giá trị giảm khoảng 2.500 tỷ đồng. Tại Tây Ninh, tính đến cuối năm 2022, diện tích trồng sắn đạt khoảng 62.000 ha; trong đó diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá khoảng 42.000 ha, ước tính thiệt hại do bệnh khảm lá trên cây sắn khoảng 203.000 tấn, tương đương 649 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không còn bệnh khảm lá sắn nặng, giống sắn được trồng phổ biến là KM505 và KM140 tuy vẫn còn nhiễm bệnh khảm lá nhưng ở mức độ nhẹ, không soắn lá, vẫn đảm bảo được năng suất từ 30 - 35 tấn/ha. Tây Ninh đang có khoảng 180 ha đang trồng các giống sắn kháng bệnh khảm lá, với tốc độ tốc độ nhân giống như hiện nay, thì đến đầu năm sau tỉnh Tây Ninh sẽ có khoảng 2.800 ha sắn giống. Dự kiến đến cuối năm 2024, diện tích sắn giống kháng bệnh khảm lá có thể lên đến 28.000 ha.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thử nghiệm hàng trăm giống sắn tại Tây Ninh và tìm ra ít nhất 6 giống có khả năng kháng được bệnh khảm lá đang được đẩy mạnh nhân rộng. Tuy nhiên, ngoài vấn đề kháng được bệnh khảm lá, ngành nông nghiệp còn xem xét, đánh giá hiệu quả của các loại giống sắn mới phải kháng được các loại bệnh khác, mới đáp ứng được giống sắn chuẩn. Điển hình như giống sắn HN1 có khả năng kháng được bệnh khảm lá tốt, hàm lượng tinh bột tương đối cao, nhưng thường bị bệnh chảy mủ, thối gốc… Do đó, ngành nông nghiệp vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để có những khuyến cáo tốt nhất cho người dân, nhằm phát triển cây sắn bền vững.

Minh Phú


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết