Điện Biên: Chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận Cây di sản Việt Nam
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa chính thức công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 100 cây chè Shan tuyết tại 2 thôn: Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên).
Để có được kết quả trên, huyện Tủa Chùa đã lập đoàn khảo sát, lựa chọn 100 cây chè Shan tuyết có kích thước lớn nhất trong quần thể gần 4.000 cây chè cổ thụ hiện có để tiến hành đo các chỉ số: chiều cao cây, đường kính tán lá, chu vi gốc cây… Trên cơ sở đó tổng hợp, lập hồ sơ đề nghị công nhận.
Huyện Tủa Chùa nằm ở độ cao khoảng 1.400 mét so với mực nước biển. Nơi đây hiện đang sở hữu rừng chè Shan tuyết cổ thụ, trong đó nhiều cây có tuổi đời vài trăm năm. Đây là giống chè mọc tự nhiên, được chăm sóc hoàn toàn hữu cơ. Trước kia, người dân bản địa chủ yếu thu hái về để sử dụng trong gia đình. Tuy nhiên hiện nay, chè Shan tuyết đã trở thành đặc sản và mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người dân địa phương.
Ngoài ra, việc gắn du lịch với các trải nghiệm hái chè cổ thụ Shan tuyết đang được địa phương phát triển, trở thành bản sắc và là sức hút riêng đối với mỗi du khách khi ghé thăm Sín Chải, Tủa Chùa.
Theo khoa học, chè Shan tuyết Tủa Chùa còn được gọi là chè cây cao Tủa Chùa và cùng dòng với chè Shan tuyết Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai. Cách trung tâm thành phố Ðiện Biên Phủ gần 200km, Sín Chải có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Cây chè ở Sín Chải mọc thành rừng, là bờ lũy bảo vệ nương lúa, nương ngô và còn là "tấm lá chắn" ngăn gió đỡ mưa cho mỗi mái nhà của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Năm 2007, UBND tỉnh Ðiện Biên ban hành Quyết định số 1055/QÐ-UBND, phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè bốn xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình (huyện Tủa Chùa), giai đoạn 2006 - 2015, tầm nhìn 2020. Theo đó, với tổng nguồn vốn hơn 84 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục: Cơ sở hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, hỗ trợ trồng và chăm sóc chè, trợ cước trợ giá, chính sách tín dụng cho người trồng chè… dự án được kỳ vọng đem lại giá trị vượt trội về kinh tế, bảo đảm cho người trồng chè sống được nhờ chè.
Ngoài những lợi ích về kinh tế, dự án cũng xác định lợi ích về xã hội, đó là việc đồng bào Mông bốn xã vùng dự án được nâng cao nhận thức, tập quán canh tác sản xuất trên đất dốc, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Ðặc biệt, chính quyền các cấp huyện Tủa Chùa không còn phải lo ngại về tình trạng dân di cư tự do, người dân không yên tâm lao động sản xuất, bởi mỗi năm sẽ có 5.000 lao động tìm được việc làm ổn định nhờ cây chè
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Tủa Chùa cho biết: Cây chè Shan tuyết càng ngày càng mang lại lợi ích cho nông dân 4 xã Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn nói riêng cũng như cho bà con trên địa bàn huyện Tủa Chùa từ nhiều năm nay. Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên phối hợp với các phòng ban hướng dẫn kỹ thật, tuyên truyền vận động người dân chăm sóc bảo vệ, thu hái và trồng mới thêm chè cây cao để phát triển kinh tế, đưa cây chè thành cây nông nghiệp mũi nhọn và các sản phẩm chè Shan tuyết là sản phẩm đặc trưng của huyện. Ngoài ra, việc gắn du lịch với các trải nghiệm hái chè cổ thụ Shan tuyết đang được huyện chú ý phát triển, trở thành bản sắc và là sức hút riêng đối với mỗi du khách khi ghé thăm Tủa Chùa.