Điện Biên: Giảm ách tắc giao thông mùa mưa lũ
Mùa mưa, trên địa bàn tỉnh Điện Biên thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ách tắc giao thông. Ngành Giao thông vận tải tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng bố trí nhân lực, vật lực, ứng phó và kịp thời khắc phục nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão.
Theo ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, Sở tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tập trung rà soát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, thường xảy ra sụt lún gây ách tắc giao thông để yêu cầu các đơn vị được giao quản lý chuẩn bị vật tư, máy móc, phương tiện dự phòng khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị quản lý đường thực hiện tốt quản lý, bảo dưỡng, đặc biệt là việc nạo vét rãnh dọc, khơi thông cầu cống để đảm bảo thoát nước tốt, không để xảy ra lấp tắc, tránh xảy ra sạt lở nền mặt đường.
Ngành Giao thông vận tải cũng chủ động các phương án phân luồng giao thông trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông kéo dài. Cụ thể, đoạn huyện Mường Chà - Chà Cang (huyện Nậm Pồ) đi theo quốc lộ 4H nếu bị ách tắc kéo dài thì các phương tiện sẽ được lưu thông theo hướng Mường Chà - Mường Tùng - tỉnh lộ 150 - Chà Cang và ngược lại. Đoạn Núa Ngam - Điện Biên Đông bị ách tắc kéo dài thì các phương tiện sẽ lưu thông theo hướng tỉnh lộ 143 Điện Biên - Tà Lèng - Pú Nhi - Na Son - Điện Biên Đông và ngược lại. Đoạn từ xã Huổi Lèng - Mường Tùng nếu bị ách tắc kéo dài, các phương tiện sẽ lưu thông theo hướng đường tỉnh 144B (Huổi Lèng - Hừa Ngài - Nậm Nèn) và ngược lại.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện, lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi có thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".
Tại các vị trí sụt sạt, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thông đường nhanh nhất, cắm biển cảnh báo sụt sạt; đồng thời thực hiện hết khối lượng sụt sạt và xử lý mái sụt theo quy định của công tác bảo đảm giao thông bước 1. Bổ sung kịp thời các đơn vị có năng lực hỗ trợ các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện bảo đảm giao thông (do một số đơn vị quản lý đường bộ phải thực hiện bảo đảm giao thông đồng bộ ở nhiều tuyến trên địa bàn tỉnh).
Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và quản lý đường bộ II Điện Biên được giao quản lý hơn 375km đường giao thông (bao gồm gần 300km các tuyến quốc lộ: 12, 279, 4H và gần 76km tỉnh lộ.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa bão, chúng tôi đã xây dựng phương án chi tiết, cụ thể theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, tập trung vào phát quang cây cỏ, thu dọn đất rác, khơi thông dòng chảy thượng, hạ lưu công trình cầu, cống; vệ sinh mặt đường, nạo vét rãnh dọc, đào rãnh ngang; tu sửa, bổ sung hệ thống an toàn giao thông. Phân công cán bộ theo dõi và thường xuyên đi kiểm tra những điểm xung yếu, cắm hệ thống cảnh báo để người dân đề phòng.
Tại các vị trí xung yếu, chúng tôi chuẩn bị sẵn thiết bị, vật tư tại các vị trí thuận lợi nhất để ứng cứu ngay khi có sự cố xảy ra, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.
Đến nay, công ty đã dự trù một số vật tư, vật liệu cần thiết tại các kho trên quốc lộ 12 (thuốc nổ, rọ thép, đá hộc, dầu diesel). Bố trí xe, máy trực đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ 12 (Km119 - Km204+163; Km207+463 - Km281); trên tuyến quốc lộ 4H (tại Km0 - Km71); tuyến quốc lộ 279C (tại đoạn Km20).
Đến nay, qua kiểm tra, tất cả các đơn vị được giao quản lý các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng phương án ứng phó với bão lũ chi tiết; vật liệu, máy móc, thiết bị, nhân lực cũng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa lũ. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã xảy ra sạt lở tại một số tuyến đường trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Nậm Pồ, Mường Nhé... Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra các sự cố, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành hót sạt sụt, khơi thông cống rãnh bị lấp tắc; cắm biển cảnh báo, rào chắn tại một số vị trí sạt lở lớn, đảm bảo giao thông thông suốt, không để ách tắc kéo dài.