|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Những năm gần đây, một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

Với các mô hình như: Sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động)… Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá trong lồng bè trên hồ Pá Khoang, Tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Điển hình, mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá lăng chấm do Trung tâm Thủy sản tỉnh (hiện nay Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

Dự án thực hiện công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá lăng chấm theo công nghệ mới. Quy trình sinh sản nhân tạo cá lăng chấm được tiến hành công đoạn đầu tiên là tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ, tiếp đến kích thích sinh sản nhân tạo, thụ tinh nhân tạo, ấp trứng, ương cá bột lên cá hương, ương cá hương lên cá giống và cuối cùng là thu hoạch cá giống cung ứng cho người nuôi thương phẩm.

Cá Lăng chấm bố mẹ được nuôi vỗ trong ao có độ sâu, cho ăn theo đúng chế độ dinh dưỡng, lắp đặt hệ thống phun mưa nhân tạo và bơm nước tạo dòng chảy tuần hoàn. Phun mưa nhân tạo và bơm nước tạo dòng chảy trong ao nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ là một trong những khâu kỹ thuật quan trọng nhất trong quy trình sản xuất giống cá Lăng chấm, để nâng cao tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ so với tự nhiên.

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống cá Lăng chấm do Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện.

Đặc biệt, thời gian sinh sản là quan trọng nhất. Theo đó, vào cuối tháng 4 – 6 hàng năm, khi nhiệt độ nước ao nuôi vỗ đạt từ 26 – 300C thì tiến hành chọn cá bố mẹ thành thục tiêm kích dục tố cho cá 2 lần, mỗi lần cách nhau từ  22 - 26 giờ. Sau khi tiêm cho cá bố mẹ riêng rẽ vào hệ thống bể xi măng cho nước thường xuyên chảy nhẹ kết hợp sục khí đảm bảo hàm lượng oxy hoà tan luôn cao hơn 5,5mg/l để kích thích quá trình động hớn của cá.

Nhờ áp dụng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình về sản xuất, vì vậy dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, qua kiểm tra cho thấy, cá Lăng chấm tại ao ương giống đạt 10.866 con; tỷ lệ đẻ của cá cái đạt từ 57 - 100%; tỷ lệ thành thục đạt 76,6%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 50%, đạt chỉ tiêu đề ra và tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống đạt 60% đạt chỉ tiêu đề ra (60%). Thành công trong việc sản xuất cá Lăng chấm giống bằng phương pháp nhân tạo sẽ mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, người chăn nuôi có thể chủ động về con giống để phát triển nuôi thương phẩm trên diện rộng.  

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 4.

Mô hình trồng rau, củ quả công nghệ cao trong nhà kính của HTX Công nghệ cao Bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy

Tương tự, mô hình trồng rau, củ quả công nghệ cao trong nhà kính ứng dụng công nghệ Isarel của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên), với diện tích 3.500m2, với 5.000 gốc dưa chuột Baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản và mộ số cây trồng rau củ quả khác. Mỗi cây dưa leo và cà chua được trồng trong một bầu giá thể bằng xơ dừa, đặt trong luống đã được lót ni lông cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh.

Hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Đây là hệ thống tưới nước tự động với phân bón được hòa sẵn vào trong nước giúp giảm thiểu chi phí nhân công, đặc biệt quản lý được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cách tưới này giúp cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây.

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 5.

Giống cà chua Nowara RZ Nhật Bản cho năng suất, chất lượng cao khi được trồng trong nhà kính ứng dụng công nghệ Isarel. Ảnh: Vinh Duy

So với kỹ thuật truyền thống trồng cây trên nền đất thì trồng cây trên giá thể giúp cây phát triển nhanh, cho chất lượng cao hơn, tránh được sâu bệnh. Dù mới áp dụng, nhưng mô hình trồng rau củ quả công nghệ cao của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé đã thu được những thành công bước đầu. Sản phẩm vụ đầu tiên cho thu hoạch đạt năng suất cũng như chất lượng rất cao.

Thâm canh có ứng dụng công nghệ cao vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư chăm sóc, đồng thời nâng cao thu nhập gấp 3 - 4 lần trên cùng một diện tích. Mô hình trồng rau, củ quả trong nhà kính ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của hợp tác xã không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch mà cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/vụ. Qua đó, thay đổi tư duy cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất người dân.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước được quan tâm, đầu tư và đạt được một số kết quả. Nhiều lĩnh vực, mô hình đã được các doanh nghiệp, người dân quan tâm đầu tư, như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn trong nhà lưới 4,2ha, sản lượng 84 tấn/năm; ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp có chứng nhận (VietGAP, hữu cơ, HACCP, UTZ) trong sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp với tổng diện tích 1.531 ha; ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng mô hình tưới tiết kiệm cho một số cây trồng với tổng diện tích đến năm 2020 là 753 ha; ứng dụng công nghệ sản xuất thành công giống cá Lăng chấm Hemibagrus guttatus thương phẩm trong ao…

Điện Biên: Hiệu quả kinh tế từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 6.

Mô hình trồng bí xanh cao sản của HTX Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, xã Thanh Yên, Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Vinh Duy

Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần để sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Ngành Nông nghiệp đã đóng góp vào GRDP của tỉnh 18,76%, tăng 1,52% so với năm 2019. Tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 3.819,12 tỷ đồng, tăng 2,38% so với năm 2019, trong đó: Nông nghiệp 3.425,85 tỷ đồng (tăng 2,31%), lâm nghiệp 253,36 tỷ đồng (tăng 0,73%); thủy sản 139,91 tỷ đồng (tăng 7,45%). Qua đó, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin