Điện Biên: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Những năm qua, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Trong đó, trọng tâm là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và giải quyết công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức nên tạo được sự tin tưởng và hài lòng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục thực hiện tốt kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ. Tăng cường kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống, qua đó rút ngắn thời gian xử lý vướng mắc, giảm thiểu chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp… Từng bước xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi theo quy định pháp luật.
Để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, sự ra đời của Cổng dịch vụ công trực tuyến với tổng số 1.602 thủ tục hành chính, trong đó: 1.253 thủ tục hành chính mức độ 2; 254 thủ tục hành chính mức độ 3; 95 thủ tục hành chính mức độ 4.
Như vậy, dịch vụ công đang được minh bạch hóa tối đa, người dân và doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian, chi phí đi lại và những vấn đề bất cập khác. Tại Điện Biên, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 12%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 24%; 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng đánh giá sự hài lòng của người dùng; 2 dịch vụ công được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống phần mềm một cửa điện tử thống nhất, tập trung toàn tỉnh đã được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước các cấp (tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua các phần mềm một cửa điện tử các cấp của tỉnh đạt 75%.
Đơn giản hóa thủ tục là một trong những nội dung quan trọng để thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực của tỉnh. Xác định được điều đó, công tác hướng dẫn, xử lý hồ sơ đăng ký đã được cơ quan đăng ký kinh doanh nỗ lực thực hiện, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Hiện nay, thời gian cấp đăng ký mới (kể cả đăng ký thuế và công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) của tỉnh trung bình là 1,21 ngày (giảm được 1,26 ngày so với năm 2017), thời gian cấp đăng ký thay đổi trung bình là 1,26 ngày (giảm được 0,64 ngày so với năm 2017), tỷ lệ hồ sơ được số hóa là 100%, tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng đạt 30%.
Các hộ kinh doanh khi có nhu cầu chuyển đổi lên doanh nghiệp đều được cơ quan đăng ký kinh doanh tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như: Cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, riêng thủ tục cấp phép xây dựng giảm 56% thời gian; lĩnh vực đất đai đã giảm bớt những thủ tục không cần thiết để rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử như, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rút ngắn xuống còn tối đa 17 ngày (giảm 4 ngày so với quy định).
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để lắng nghe, nắm bắt và giải quyết kịp thời những kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức buổi gặp mặt với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn 2 lần/năm.
Đồng thời, chỉ đạo các sở ngành quan tâm thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh như: Đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường… Giai đoạn 2016-2020 đã có 450 lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh, đào tạo nghề, tư vấn hỗ trợ, chuyển đổi doanh nghiệp từ hộ kinh doanh, hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới với tổng kinh phí 4,611 tỷ đồng.
Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giai đoạn 2016-2020, Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 95 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 14.166 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 210 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 31.700 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, Điện Biên có 564 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 4,26% so với giai đoạn 2010-2015), lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.470 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 26.875 tỷ đồng và 224 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại địa phương.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 19.000 tỷ vào GRDP của tỉnh, đóng góp 7.300 tỷ trong vốn đầu tư phát triển xã hội tại địa phương. Nhờ đó, chỉ số PCI của tỉnh liên tục được cải thiện. Từ vị trí cuối bản xếp hạng năm 2014, chỉ số PCI của tỉnh đã từng bước vươn lên xếp thứ 53 trong 2 năm 2015-2016; năm 2017 tăng 5 bậc (xếp thứ 48), năm 2018 tăng 1 bậc (xếp thứ 47); năm 2019, tiếp tục tăng 3 bậc vươn lên xếp hạng thứ 44 trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Năm 2020, tuy xếp hạng giảm 2 bậc nhưng một số chỉ số có sự cải thiện đáng kể như: Tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, đặc biệt Chỉ số chi phí không chính thức tăng 39 bậc so với năm 2019.