Điện Biên: Tăng cường phòng chống dịch COVID-19 sau dịp Tết Nguyên đán
Sáng nay (9/2) UBND tỉnh Điện Biên Tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện thị về công tác phòng chống dịch COVID-19 trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Theo báo cáo của Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Điện Biên hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng ca. Đặc biệt tại một số địa bàn thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao.
Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022 tỉnh đã ghi nhận tới 671 bệnh nhân mắc COVID-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng). Lũy kế số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong 1 năm qua (từ 5/2/2021 đến 7/2/2022) là hơn 3.190 bệnh nhân; điều trị khỏi và xuất viện khoảng 1.780 bệnh nhân. Tỉnh có 1 bệnh nhân tử vong vào ngày 19/1 do vừa tuổi cao (93 tuổi), vửa mắc COVID-19, tuy nhiên nguyên nhân tử vong là do đột quỵ, tăng huyết áp. Hiện số bệnh nhân đang điều trị hơn 1.410 người tại 21 cơ sở điều trị.
Kết quả truy vết được hơn 14.280 F1, khoảng 28.210 F2. Tất cả đã được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly theo quy định, trong đó từ ngày 30/1 đến ngày 7/2 (trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán) truy vết hơn 4.180 trường hợp F1 và đã được triển khai các biện pháp phòng dịch theo quy định. Tính đến ngày 7/2 tỉnh cũng đã tiêm được gần 955.000 liều Vaccine phòng COVID-19. Riêng liều mũi 3 ở độ tuổi 18 trở lên đạt hơn 60%.
Xác định tình hình dịch bệnh tại 6 tỉnh Bắc Lào vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khi từ ngày1/1/2022 đến ngày 7/2/2022 đã ghi nhận tới gần 8.000 ca mắc COVID-19. Do đó tỉnh Điện Biên vẫn duy trì 69 tổ, chốt với 441 cán bộ, chiến sỹ thực hiện nghiêm việc kiểm tra giám sát đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị trong toàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên thẳng thắn phê bình những địa phương làm chưa tốt công tác phòng chống dịch khi vẫn để dịch bùng phát mạnh với số ca mắc lớn trên địa bàn như: huyện Tủa Chùa, huyện Mường Ảng. Bởi là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, các huyện vùng khó càng để bùng phát dịch mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác chống dịch của địa phương. Nhất là khi nguồn phòng chống dịch, khám chữa bệnh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh gây quá tải tại các khoa Truyền nhiễm thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương phải xác định rõ nhu cầu người dân đi lại giữa các tỉnh trong sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 sẽ rất cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh COVID-19 trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng mới Omicron. Do đó trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cần cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Đồng thời phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.
Việc bỏ các trạm kiểm soát y tế trên các tuyến Quốc lộ thì sẽ phải nâng cao công tác chống dịch bằng cộng đồng, bằng ý thức của từng người dân. Phải xác định người dân là chủ thể trong công tác phòng chống dịch, nâng cao nhận thức của người dân chống dịch là để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và người thân trong gia đình. Khi đó phải xác định vai trò của từng tổ dân phố, từng thôn bản, nhận thức phải đi lên thì mới chống được dịch tốt hơn. Đặc biệt không được để tồn tại tâm lý trong người dân về việc đã tiêm đủ 3 Vaccine thì sẽ không bị mắc bệnh.
Thời gian tới phải xác định dịch sẽ diễn biến rất phức tạp, do đó với các địa phương đông dân như thành phố Điện Biên Phủ phải đặc biệt làm tốt hơn nữa công tác chống dịch. Phải quan tâm hơn tới các đối tượng yếu thế như người già, người có bệnh nền, trẻ em, không để dịch bùng phát mạnh, các địa phương đông dân bị nâng cấp độ dịch.
Đồng thời phải tiếp tục tuân thủ nguyên tắc chống dịch nhằm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch, nhất là kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tổ chức cách ly, điều trị đối với các trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.