|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đòn bẩy giúp nông dân Phong Thổ - Lai Châu giảm nghèo bền vững

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phong Thổ rất phấn khởi, bởi chính sách ưu đãi sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giúp bà con có điều kiện tăng thu nhập, thoát nghèo.

Giúp bà con dân tộc thiểu số huyện Phong Thổ xây dựng các mô hình kinh tế mới

Từ các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, thời gian qua, huyện Phong Thổ, Lai Châu đã triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, từng bước giúp người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng các mô hình kinh tế mới, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, qua đó giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Đến huyện Phong Thổ, Lai Châu những ngày này, không khó để thấy những đồi chanh leo xanh mướt, sai trĩu quả. đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây rất phấn khởi, bởi nhờ chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, bà con đã có điều kiện chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng chanh leo, tăng thu nhập, thoát nghèo.

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó có 12 xã khu vực III ,01 xã khu vực II ,4 xã , thị trấn khu vực I, với 171 thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 118 thôn, bản đặc biệt khó khăn chiếm 70% theo Quyết định 861của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 612 ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc.

Toàn huyện Phong Thổ có trên 17.260 hộ, trên 83.800 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92,99% tổng dân số, tỷ lệ hộ nghèochiếm 43,81%, hộ cận nghèo chiếm 17,24%, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 đạt 37,5 triệu đồng/người/năm.

Đòn bẩy giúp nông dân huyện Phong Thổ của Lai Châu giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 đã và đang giúp người nông dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phong Thổ, Lai Châu phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững. Ảnh: Tuấn Hùng

Là địa bàn biên giới, xa xôi cách trở, đời sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng tuy đã được chú trọng quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, kinh tế chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, người dân chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng và đất rừng để phát triển kinh tế cải thiện đời sống, việc làm lao động còn mang tính thời vụ, thu nhập thực tế thấp, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn xảy ra...

Để giúp người dân có công cụ, nguồn vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025. Từ những ưu việt do Nghị quyết mang lại đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của hầu hết bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bà con đã được tiếp cận nguồn vốn, được hỗ trợ về giống, phân bón… nhờ đó nhiều mô hình kinh tế mới, cho năng suất, chất lượng cao đã được các cấp chính quyền chung tay cùng bà con xây dựng và đạt được những kết quả rất đáng mừng.

Những ngày này, những hộ nông dân trồng chanh leo đầu tiên trên địa bàn xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu bước vào vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Trước đây toàn bộ 6,6ha chanh leo này của gia đình anh Tẩn Sài Sông, bản Nà Cúng, xã Bản Lang chỉ trồng ngô và chuối, sau nhiều năm canh tác, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng giảm hẳn.

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, gia đình anh Sông đã ký hợp đồng liên kết trồng chanh leo với công ty Befoods Lai Châu với diện tích là 1,6ha. Liên kết trồng chanh leo, gia đình anh Sông được Công ty Befoods Lai Châu cung ứng toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản và bao tiêu sản phẩm.

Đòn bẩy giúp nông dân huyện Phong Thổ của Lai Châu giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Mô hình trồng chanh leo của bà con xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu được triển khai thành công nhờ những chinh sách ưu việt của Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Đến nay, gia đình anh Sông đã có 1,6ha chanh leo cho thu hoạch 1 tấn quả/tuần. Với mức giá trung bình khoảng 12.000 đồng/kg, anh thu về gần 50 triệu đồng một tháng. Giờ đây với việc không phải lo đầu ra và giá nhập chanh leo của công ty đảm bảo nên ngoài việc chăm sóc diện tích hiện có, năm 2023 gia đình anh Sông tiếp tục mở rộng thêm 5ha diện tích trồng chanh leo.

Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay / Dân Việt / Trangtraiviet điện tử, anh Sông hồ hởi cho biết: So với cây lúa, ngô thì cây chanh leo cho thu nhập cao hơn gấp 2 – 3 lần. Nhờ được hỗ trợ về giống, được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản nên gia đình tôi đã có điều kiện chuyển đổi cây trồng. Cũng trên diện tích này, trước đây trồng ngô, lúa 1 vụ đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi trồng chanh leo, lại được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên thu nhập của gia đình tôi khá hơn trước rất nhiều.

Giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

Được biết, mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ (Lai Châu) triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2022 với diện tích trên 27ha.

Trong tổng số diện tích chanh leo ở Bản Lang thì có 9ha được hỗ trợ 100% cây giống và phân bón, các diện tích còn lại được hỗ trợ 70% phân bón và 100% cây giống.

Đòn bẩy giúp nông dân huyện Phong Thổ của Lai Châu giảm nghèo bền vững - Ảnh 4.

Cây chanh leo được đánh giá rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu, bà nơi này đã và đang chăm sóc, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, nhờ đó thu nhập từng bước được nâng lên, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Tuấn Hùng

Năm 2023, tiếp tục triển khai các chính sách theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, xã Bản Lang có 61 hộ dân ở 8 bản là Bản Lang 2, bản Pho, Nậm Lùng, Dao Chản... tham gia mô hình trồng cây chanh leo. Với năng suất 39 tấn/ha và được công ty Befoods Lai Châu thu mua với giá bình quân 15.000 đồng/kg. Với năng suất và giá bán này, khi hơn 27ha chanh leo cho thu hoạch, tổng doanh thu ước đạt 15 tỷ một năm, trừ chi phí người dân sẽ đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha/năm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, Phong Thổ, Lai Châu hồ hởi cho biết: Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Lai Châu đã và đang là đòn bẩy giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bản Lang chúng tôi có điều kiện thay đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa.

Bên cạnh đó, từ những chính sách ữu đãi do Nghị quyết 07 mang lại đã giảm bớt gánh nặng về những chi phí ban đầu khi xây dựng các mô hình kinh tế mới như giống, phân bón, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm…

"Nhìn từ thực tế, Nghị quyết số 07 về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025 đã và đang giúp người nông dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Bản Lang tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó giảm theo hàng năm, qua đó giúp địa phương gặt hái những "trái ngọt" trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Thủy hồ hởi bày tỏ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin