Đòn bẩy tái cơ cấu nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh
Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách vừa tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa gắn xây dựng nông thôn mới.
Nông nghiệp, nông thôn đổi thay rõ rệt
Thời gian qua, việc quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ đã giúp tình hình nông nghiệp, nông thôn TP.HCM có nhiều khởi sắc. Nếu năng suất lao động khu vực nông thôn năm 2008 đạt gần 34 triệu đồng/người, thì năm 2021 đạt hơn 95 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2008 - 2020 là 8,2%.
Mục tiêu của TP.HCM đến năm 2025 giá trị sản xuất trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt 760 - 800 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân của cư dân nông thôn đạt 97 triệu đồng.
Mặc dù, diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm nhưng GRDP ngành nông nghiệp vẫn tăng. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao… nên tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 4,4%/năm.
Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm, từ 158 triệu đồng/ha (2010), đến cuối năm 2018 đạt hơn 500 triệu đồng/ha, cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước.
Điều này kéo theo khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp. Năm 2019, thu nhập trung bình của người dân vùng nông thôn hơn 63 triệu đồng, tăng 58,85% so với 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010.
TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo thành phố được nâng lên. Hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,1%/tổng hộ dân 56 xã.
Chính sách tạo đòn bẩy
Để đạt được những kết quả như trên là nhờ việc TP.HCM áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp, trong đó triển khai và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách đã tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một trong những chính sách điển hình là chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay).
Đây là chính sách đặc thù hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, đã được TP.HCM triển khai xuyên suốt từ năm 2011 đến nay theo Quyết định số 36, Quyết định số 13, Quyết định số 04 và hiện nay là Nghị quyết số 10 của HĐND, Nghị quyết số 06 của HĐND TP.HCM. Đối tượng của chính sách áp dụng là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân. Lĩnh vực hỗ trợ là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp...
Ngân sách TP.HCM hỗ trợ 100% lãi suất nhằm đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời hạn hỗ trợ lãi vay không vượt quá 5 năm trên một phương án. Ngân sách thành phố hỗ trợ 60 - 80% lãi suất để đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi, trả công cho người lao động phục vụ sản xuất...