|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng Nai: Cần thông thoáng hơn trong lưu thông thiết bị, con giống phục vụ chăn nuôi

Tuy đã có “luồng xanh” trong lưu thông vật tư chăn nuôi nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc.

Vận chuyển heo đi các nơi tiêu thụ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong ảnh:Xe chở heo qua trạm kiểm dịch tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Bình Nguyên

 

Ông Nguyễn Văn Mẫn, chủ trại chăn nuôi gia cầm tại H.Cẩm Mỹ chia sẻ: “Tôi lấy ví dụ chiếc đèn khò thú y dùng để sát trùng trại nuôi gà giống là thiết bị cực kỳ quan trọng, còn thiết yếu hơn cả thức ăn chăn nuôi. Vì con gà con chậm ăn 1 ngày không sao, nhưng thiếu thiết bị này là đàn giống bị thiệt hại. Tuy nhiên, khi vận chuyển các thiết bị này qua các trạm kiểm soát dịch bệnh không dễ, thậm chí không được vận chuyển vì là hàng không thiết yếu. Nhiều thiết bị, linh kiện máy móc hoặc vật tư sử dụng cho dây chuyền sản xuất nếu thiếu là cả dây chuyền sản xuất tê liệt, thế nhưng việc vận chuyển nhóm hàng này gặp nhiều khó khăn vì không thuộc nhóm hàng thiết yếu”.

Ngay cả với các mặt hàng thiết yếu như: giống, thức ăn chăn nuôi và nhiều sản phẩm khác, việc vận chuyển qua các chốt kiểm soát dịch có lúc, có nơi cũng không dễ. Việc thực hiện còn cứng nhắc các quy định ở nơi này, nơi khác gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ông Tính cho biết thêm: “Nhiều chốt kiểm soát quá cứng nhắc trong xử lý các tình huống gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân”.

Cùng nỗi lo, ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (tỉnh Bình Định) có 2 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn Đồng Nai cho biết thêm, tuy có “luồng xanh” ưu tiên nhưng việc vận chuyển vật tư nông nghiệp, nhất là con giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì tỉnh này có những quy định khác tỉnh kia về yêu cầu kiểm dịch, thậm chí xã này cũng khác xã kia nên tình trạng vượt được 9 trạm, xe vận chuyển ách lại ở trạm cuối cùng vẫn xảy ra. Việc chậm trễ, tốn kém thời gian xử lý làm rủi ro hao hụt, thiệt hại về con giống tăng lên càng khó cho doanh nghiệp trong cung ứng con giống đi các địa phương.

Cũng gặp những khó khăn trên, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tám Do (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) bày tỏ mong muốn: “Doanh nghiệp không ít lần chở con giống cung cấp đi các tỉnh bị hao hụt, chết trên đường vận chuyển vì chở gần đến nơi thì chốt kiểm soát dịch ở xã đó không cho vào trại chăn nuôi, buộc xe chuyên chở phải thực hiện các quy định kiểm dịch riêng tại địa phương. Doanh nghiệp rất mong các địa phương có sự thống nhất trong các quy định phòng dịch, kiểm soát vận chuyển để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận chuyển, cung cấp vật tư, con giống trong sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, thiệt hại trong tình hình doanh nghiệp đang gồng mình gánh lỗ như hiện nay”.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 7 vừa qua, nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, giá thức ăn gia súc gia cầm cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thức ăn gia súc chậm khiến kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm gần 10% so với tháng trước. Lũy kế trong 7 tháng của năm nay, tổng sản lượng sản xuất thức ăn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt gần 2.259 ngàn tấn, giảm hơn 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào trong sản xuất từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, vật tư nông nghiệp… đều đồng loạt tăng. Trong đó có nguyên nhân chi phí vận chuyển và nhất là chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh đội lên quá cao. Không chỉ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn mà nông dân cũng lao đao vì chi phí đầu vào không ngừng tăng cao trong khi nông sản rớt giá, thậm chí bị ùn ứ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin