|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng Tân: Phát triển đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp

Xác định phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng đã chú trọng định hướng, hỗ trợ người dân xây dựng đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp.

Ông Lý Hồng Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tân cho biết: Toàn xã hiện có gần 700 ha đất lâm nghiệp và hơn 1.500 ha đất nông nghiệp (chiếm hơn 58% tổng diện tích tự nhiên của xã); điều kiện tự nhiên của xã rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, định hướng người dân phát triển trồng rừng; chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả phù hợp...

Theo đó, để giúp người dân có thêm kiến thức, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, hằng năm, UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn về trồng trọt và chăn nuôi và các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. UBND xã cũng khuyến khích, vận động người dân liên kết, thành lập các hợp tác xã (HTX) để có hướng phát triển bền vững.

Ông Đặng Hải Viên, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng vải thiều, tuy nhiên năng suất không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp. Đến năm 2015, khi được xã tuyên truyền, tôi đã chuyển đổi diện tích trồng vải thiều sang trồng bưởi Diễn. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 130 cây bưởi cho thu hoạch, trung bình mỗi vụ thu được hơn 10.000 quả. Ngoài trồng bưởi, gia đình còn trồng thêm 300 gốc táo, mỗi năm thu từ 6 - 7 tấn quả. Từ mô hình trồng bưởi và táo, mỗi năm, gia đình tôi có tổng thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ngoài ra, chính quyền xã còn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất. Đơn cử như từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2020, UBND xã đã hỗ trợ 7 hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn và mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng; năm 2023, với nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân của trung ương, xã đã triển khai dự án trồng và chăm sóc nhãn với 10 hộ tham gia, tổng kinh phí 500 triệu đồng...

Song song với đó, chính quyền xã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, toàn xã đã có 435 hộ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 13,4 tỷ đồng và 6 cá nhân, doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025...

Ông Lý Bá Hải, thôn Cần, xã Đồng Tân cho biết: Năm 2017, gia đình tôi phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn với tổng đàn 2.000 con. Để có thêm nguồn vốn mở rộng mô hình, năm 2022, gia đình tôi đã vay gần 1 tỷ đồng từ vốn ưu đãi theo Nghị quyết 08. Theo đó, gia đình đã đầu tư chuồng trại với diện tích hơn 600m2 và tăng đàn lên 6.000 con. Hiện nay, mỗi năm, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 con gà thương phẩm, doanh thu đạt trên 2 tỉ đồng.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã và sự chủ động của người dân, đến nay toàn xã đã phát triển được 30 mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình trồng rừng với cây chủ lực là keo và bạch đàn, tổng diện tích trên 693 ha; mô hình trồng cây ăn quả (na, nhãn, táo, bưởi...) với tổng diện tích trên 285 ha; mô hình chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn trên 500 con; mô hình chăn nuôi gà với tổng đàn trên 52.000 con... đem lại thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/năm cho hơn 100 hộ dân.

Không chỉ dừng lại ở các mô hình sản xuất truyền thống, nắm bắt xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp, trên địa bàn xã có 2 HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này là HTX Nông sản Hữu Lũng và HTX Du lịch Nông nghiệp Xứ Lạng. Theo đó, ngoài sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả..., trung bình mỗi tháng, mỗi HTX trên thu hút từ 500 - 600 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch xanh đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Việc phát triển các mô hình sản xuất đã góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cụ thể, kết thúc năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn 0,88%, giảm 4,72% so với năm 2019; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 56 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2019.

“Đồng Tân là 1 trong 3 xã phát triển đa dạng mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả nhất trên địa bàn huyện. Đặc biệt, đây là xã đi đầu trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, qua đó đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng

KIM CHI

Nguồn
https://baolangson.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết