Đột phá trong phát triển cây ăn quả, nông dân vươn lên làm giàu
Những năm qua, huyện Mai Sơn (Sơn La) xác định trồng cây ăn quả trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đột phá trong phát triển cây ăn quả, nông dân vươn lên làm giàu
Cây ăn quả giúp nông dân vùng cao vươn lên
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo hướng phát huy lợi thế so sánh gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mai Sơn (Sơn La) xác định trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao trên đất dốc là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện nay, Mai Sơn là một trong những địa bàn của vùng nông thôn Tây Bắc có diện tích và sản lượng trái cây lớn của tỉnh Sơn La. Để nâng cao giá trị kinh tế các loại cây ăn quả, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn đẩy mạnh hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung lai tạo giống bằng phương pháp ghép mắt đối với cây nhãn, xoài, na... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Gia đình bà Lê Thị Lan, thôn Nà Cang xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một trong những điển hình chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nương sang trồng cây ăn quả ở vùng nông thôn Tây Bắc. Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi da xanh đang thời kỳ phát triển xanh tốt, ra qua non bà Lan chia sẻ: Trước đây, vùng đất Nà Cang này vô cùng hoang sơ và nghèo đói. Đời sống của người nông dân kho khăn, thu nhập chính phụ thuộc nhiều vào các loại cây trồng ngắn ngày trên nương như: cây ngô, cây sắn,… chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân có làm đến mấy cũng chỉ đủ ăn. Gia đình bà Lan cũng không ngoại lệ.
Năm 2010, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, cùng với đó được Cấp ủy, Chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Là người đầu tiên đưa giống bưởi da xanh về trồng tại vùng đất Nà Cang, nên bà chưa có kinh nghiệm. Vườn bưởi gia đình bà cho ra lứa đầu tiên không được như mong muốn.
Không nản, trước những khó khăn, bà Lan đã quyết định tìm đến các mô hình trồng bưởi da xanh tại các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, bà Lan mày mò, tìm tòi học hỏi các kỹ thuật trồng bưởi da xanh trên sách báo, truyền hình, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại địa phương để nắm bắt những kiến thức vào áp dụng tại gia đình. Nhờ vậy vườn bưởi của gia đình bà Lan sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả cao.
Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, trồng bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Nhờ vậy, vườn bưởi của bà Lan luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao. Với giá bưởi da xanh bán trung bình từ 25.000-40.000 đồng/kg, mỗi năm vườn bưởi của gia đình bà Lan cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Nông dân phát triển cây ăn quả bền vững
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Hiện nay, huyện Mai Sơn có trên 49.000 ha cây trồng các loại; trong đó, cây trồng chủ lực 8.500 ha cà phê; 5.600 ha mía; trên 10.800 ha cây ăn quả các loại... Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đang khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, HTX, thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Đã có trên 980 ha cây trồng áp dụng kỹ thuật tưới tự động, tưới tiết kiệm; gần 1.100 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, RA... góp phần kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mục tiêu của Mai Sơn là xây dựng và hình thành 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch, gồm: Vùng xoài, na, nhãn, cây ăn quả có múi, vùng cà phê và vùng sản xuất rau an toàn. Phòng đã phối hợp với các phòng, ban, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với người dân, tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc xây dựng, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế và triển khai thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Huyện Mai Sơn đang tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì nhãn hiệu, thương hiệu cho các loại sản phẩm đã được chứng nhận và tuyên truyền người dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao đối với một số cây trồng chủ lực. Tiếp tục đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; hướng đến xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp sạch, bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương
Năm 2022, UBND tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã Chiềng Dong, Chiềng Dong, Chiềng Ban với 1.560 hộ tham gia, diện tích 1.039 ha; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 126,6 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện đang duy trì, phát triển trên 8.600 ha cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với các nhà máy chế biến nông sản.