|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá hạt tiêu xuất khẩu ở mức cao nhất 9 tháng

Giá hạt tiêu trong nước hôm nay 10/8 tại các khu vực trọng điểm không đổi ở 71.000 - 74.000 đồng/kg. Châu Đức (Bà Rịa) chốt mức giá tiêu cao nhất và Chư Sê (Gia Lai) có mức giá thấp nhất. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng tiêu của Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 7/2023 lên mức cao nhất trong 9 tháng qua, ở mức 3.731 USD/tấn.

Giá tiêu tiếp tục ổn định, cao nhất 74.000 đồng/kg 

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng trọng điểm trong nước tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 71.000 – 74.000 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 71.000 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng ở mức 72.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Gia Lai ở mức 71.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại khu vực Đông Nam bộ hiện dao động trong khoảng từ 71.000 – 74.00 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước đạt 73.000 đồng/kg và tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 74.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Đồng Nai chỉ đạt 71.000 đồng/kg - mức thấp nhất khu vực hiện tại.

Theo nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu thế giới ngày 09/8 (theo giờ địa phương) có diễn biến như sau: Giá tiêu đen Lampung Indonesia tăng 0,15% lên ở 4.134 USD/tấn. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 chốt tại 2.900 USD/tấn; Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA không đổi ở 4.900 USD/tấn; Giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l và 550g/l lần lượt ở mức 3.500 USD/tấn và 3.600 USD/tấn; Giá tiêu trắng Muntok tăng 0,16% chốt ở 6.818 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Malaysia ASTA giữ vững mức 7.300 USD/tấn; Giá tiêu trắng Việt Nam có mức 5.100 USD/tấn; Giá tiêu GARBLED, UNGARBLED, NEW của Ấn Độ chốt lần lượt ở 62.500 rupee/100kg; 60.500 rupee/100kg và 47.800 rupee/100kg.

Giá hạt tiêu xuất khẩu ở mức cao nhất 9 tháng - Ảnh 1.

Giá hạt tiêu trong nước hôm nay 10/8 tại các khu vực trọng điểm không đổi ở 71.000 - 74.000 đồng/kg.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 15.260 tấn, với trị giá 56,92 triệu USD, giảm 28,2% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với tháng 6/2023. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 18,3% về lượng và giảm 27,7% về trị giá.

Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu đạt 167.920 tấn, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2022; trị giá đạt 540,13 triệu USD, giảm 15,4%.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng tiêu của Việt Nam trong tháng 7/2023 tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua, ở mức 3.731 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 6, nhưng so với cùng kỳ năm 2022 giảm 11,6%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân tiêu đạt 3.217 USD/tấn, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường hạt tiêu trong nước đang trải qua những ngày đi ngang sau nhiều phiên tăng mạnh hồi đầu tháng 8. Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hạt tiêu và gia vị Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn là nước sản xuất, xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ chế biến sâu của ngành hạt tiêu chỉ đạt trên dưới 20%.

Trong một diễn biến khác liên quan đến thị trường hạt tiêu, vụ thu hoạch tiêu ở Indonesia cũng đã bắt đầu và sản lượng dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 8 này. Tuy nhiên, sản lượng hạt tiêu của Indonesia năm nay dự kiến sẽ giảm đáng kể so với năm ngoái.

Theo các chuyên gia, hiện lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên giá hạt tiêu khó tăng trở lại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nguồn cung hạt tiêu thiếu hụt do mất mùa, nhu cầu tiêu thụ cuối năm có thể sẽ là yếu tố tích cực cho giá hạt tiêu.

Thông tin thị trường hạt tiêu đen tại Ấn Độ đã trở nên nóng trong những tuần gần đây do hoạt động mua đầu cơ, trong bối cảnh lo ngại về việc thu hoạch vụ mùa bị trì hoãn bởi mưa thất thường ở các vùng sản xuất chính của Karnataka và Kerala. Diễn biến tại thị trường tiêu Ấn Độ đã có tác động tích cực lên giá tiêu toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng từ đầu tháng 8/2023, qua đó mở ra những cơ hội mới cho hạt tiêu Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin