Giá kén tằm tăng, nông dân phấn khởi
Đầu năm 2022, người trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã Quảng Khê (Đắk Glong) rất phấn khởi vì giá kén tằm tăng cao, đạt mức 190.000 – 210.000 đồng/kg. Qua đó, nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm có được lợi nhuận cao.
Huyện Đắk Glong là địa phương có số hộ trồng dâu nuôi tằm lớn nhất tỉnh Đắk Nông, với hơn 200 hộ và diện tích khoảng 303 ha. Trong đó, xã Quảng Khê có khoảng 160 hộ trồng dâu nuôi tằm, với diện tích hơn 100 ha, tập trung ở thôn 8, thôn 7, thôn 3, thôn Tân Tiến và thôn Đắk Lang. Nuôi tằm có thể tận dụng thời gian nông nhàn, thu nhập thường xuyên để lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, nhiều nông dân trên địa bàn xã, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập gia đình.
Hộ chị Đỗ Thị Ánh, thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê rất vui mừng khi giá kén tằm tăng cao. Với diện tích trồng dâu trên 2 ha, mỗi lứa chị Ánh nuôi 4 hộp trứng tằm. Sau 15 ngày nuôi, chị thu hoạch được gần 200 kg kén. Năm nay giá kén tăng thêm khoảng 50.000 đồng/kg nên thu nhập của gia đình chị hơn hẳn những năm trước. Chị Ánh chia sẻ: “Năm ngoái, giá kén tằm dao động ở mức 150.000 – 160.000 đồng/kg. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, giá kén tăng đạt ở mức bình quân 200.000 đồng/kg. Với mức giá trên, trung bình một hộp tằm giống nuôi trong vòng 15 ngày cho thu hoạch 50 kg kén thì gia đình có lãi khoảng 8 - 10 triệu đồng/hộp”.
Từ đầu năm đến nay, nhiều nông dân Quảng Khê có thu nhập 20 – 40 triệu đồng/tháng từ trồng dâu nuôi tằm. |
Tương tự, chị Trần Thị Tươi, thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê cho hay, mặc dù làm nghề trồng dâu nuôi tằm nhiều năm nay, nhưng chưa năm nào chị thấy giá kén tằm tăng cao như đầu năm 2022. Chị Tươi cho biết, mấy đợt nuôi tằm vừa qua, mỗi kg kén tằm được các đại lý thu mua ở mức 190.000 đồng/kg và có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến giá kén tằm đạt mức cao kỷ lục là do sản lượng kén giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ tơ trên thế giới tăng cao. Đặc biệt trước đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ kén tằm ế ẩm, người dân thu hẹp diện tích trồng dâu nuôi tằm nên ảnh hưởng tới nguồn cung kén trên địa bàn tỉnh.
Nông dân xã Quảng khê trồng dâu S7 lá to, nhựa nhiều |
Giá kén tằm tăng cao, người trồng dâu nuôi tằm phấn khởi, từ đó, họ chú trọng hơn vào khâu chăm sóc, phòng bệnh cho tằm, nâng cao năng suất kén. Để nuôi được nhiều tằm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân xã Quảng Khê đã đưa giống dâu S7 - CB vào sản xuất. Theo ông K’Krang, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Khê thì giống dâu này phù hợp với đất đai và khí hậu địa phương, cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh gây hại, phân cành khá, lá to, dày, khả năng giữ nước tốt, tươi lâu, phù hợp nuôi tằm lớn.
Để nghề nuôi tằm phát triền bền vững, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển diện tích theo quy hoạch, xã Quảng Khê còn chú trọng chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cho người dân. Đồng thời, chính quyền địa phương quan tâm tạo mối liên kết sản xuất của nông dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thu mua, bao tiêu sản phẩm.