|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lai hướng tới phát triển và xây dựng vùng dược liệu

Theo khảo sát, cây dược liệu cơ bản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, do đó UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án được thực hiện tại 17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển tại các vùng có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu như: huyện Kbang, Đắk Đoa, Mang Yang, An Khê, Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Pa với nguồn vốn 5.200 tỷ đồng.

Gia Lai huong toi phat trien va xay dung vung duoc lieu hinh anh 1

Mô hình trồng cà gai leo ở xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) đang cho thu hoạch đợt đầu tiên. Ảnh: baogialai.com.vn

Huyện Chư Sê hiện có 700 ha diện tích cây dược liệu như: cà gai leo, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, gừng, nghệ, cát cánh... Đồng thời, có 5 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dược liệu với tổng diện tích hơn 120 ha. Chẳng hạn, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu với với các hộ dân trên địa bàn để làm nguyên liệu chế biến và cung ứng cho Công ty cổ phần TRAPHACO.

Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Chư Sê, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển diện tích dược liệu đã thu hút nhiều người dân tham gia. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Bà Lưu Thị Tùy, ở làng Plong, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê bày tỏ, mấy năm trở lại đây, cà phê mất giá, tiêu bị dịch nên đời sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh, bà có thêm việc làm và thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng từ việc thu hoạch, sơ chế dược liệu của hợp tác xã.

Ông Chu Hoài Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Dược liệu Gia Định tại Gia Lai cho biết, hiện nay, công ty có 210 ha diện tích cây dược liệu, tập trung ở huyện Chư Sê và Chư Pưh. Tùy theo giai đoạn, công ty sẽ trồng các loại dược liệu khác nhau như: đinh lăng, cát cánh, đương quy, đẳng sâm, đan sâm, phòng phong, nghệ và hi thiêm.

Trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch, công ty thu hút thường xuyên 10 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, là những lao động thời vụ phục vụ 5 tháng thu hoạch, sơ chế dược liệu, trung bình ngày công khoảng từ 170-220 nghìn đồng/ngày.

Chị Pin, làng Sơr, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê chia sẻ, nhà chị hiện có 300 cây cà phê cùng với 1 sào lúa, lúa làm 1 vụ nên ít tốn công chăm sóc, thời gian nhàn rỗi nhiều. Những ngày ít việc, chị làm thời vụ cho công ty và mỗi ngày cũng có thêm gần 200 nghìn đồng lo cho gia đình.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy huyện Chư Sê cho hay, qua khảo sát, nhận thấy, cây dược liệu cho hiệu quả cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị Quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện.

Theo đó, huyện xác định phát triển các loại cây dược liệu là mũi nhọn với 200-250 ha được định hướng trồng trên các xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Đến năm 2025, huyện Chư Sê phấn đấu phát triển từ 1.000-1.200 ha cây dược liệu các loại; trong đó, khoảng 500 ha được ứng dụng công nghệ cao. Việc phát triển mạnh vùng dược liệu trên địa bàn cũng hướng đến kế hoạch xây dựng trung tâm dược liệu của tỉnh Gia Lai tại huyện chư Sê vào năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Chư Sê đang triển khai dự án đầu tư trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 17 ha cho 20 hộ dân trồng cây cà gai leo và hà thủ ô đỏ với kinh phí hơn 600 triệu đồng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao cho người dân; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Dự án này cũng dự kiến sẽ xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ 40 triệu đồng/ha tiền giống cây cho các hộ sản xuất. Dự án cũng thực hiện sản xuất giống thương phẩm cây dược liệu; chế biến, bảo quản sản phẩm dược liệu để sản xuất, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng.

“Người dân khi chuyển đổi sang loại cây trồng này rất phấn khởi vì sản phẩm từ cây dược liệu mang lại thu nhập tương đối cao. Chẳng hạn như: cà gai leo mang lại 100-150 triệu năm/ha, hà thủ ô đỏ từ 400-500 triệu năm/ha. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để phát triển diện tích cây dược liệu. Đây sẽ là đòn bẩy giúp cho việc giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hiệu quả", Bí thư huyện Ủy huyện Chư Sê cho biết thêm.

Hồng Điệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin