Gia Lai tích cực liên kết sản xuất để nâng tầm giá trị cà phê
Nhiều năm nay, cà phê luôn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, mang về nguồn thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Để nâng tầm chất lượng và gia tăng giá trị cà phê, nông dân, doanh nghiệp và các ngành của tỉnh Gia Lai đang tích cực liên kết nhằm thay đổi phương thức sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cà phê của địa phương.
Đây là năm đầu tiên, gia đình ông Hồ Văn Lài ở thôn Hàm Rồng, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku mạnh dạn liên kết với một doanh nghiệp chuyên chế biến cà phê chất lượng cao trong tỉnh để sản xuất 2,5 ha cà phê robusta của gia đình. Tham gia chuỗi liên kết, vườn cà phê của gia đình ông Lai được thay thế mô hình canh tác theo phương thức tiến tiến từ quy trình chăm sóc đến khâu thu hái. Kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.
“Sau khi liên kết sản xuất, vườn cà phê của gia đình không dùng các chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc trị gỉ sắt, thuốc cỏ,... Phân bón dùng phân hữu cơ để cà phê đạt tiêu chuẩn sạch. Hiện giá cà phê thuần ở địa phương là 8.500 đồng/kg, tuy nhiên khi công ty tới vườn thu mua được hỗ trợ thêm từ 500 đến 600 đồng/kg nên rất vui”, ông Lài chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp chọn cà phê chất lượng cao là sản phẩm trọng tâm để khởi nghiệp, Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên đang liên kết với các hộ dân trồng cà phê robusta ở Gia Lai và cà phê arabica của Kon Tum để xây dựng thương hiệu. Hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, công ty đã tập huấn cho người nông dân trong chuỗi liên kết canh tác cà phê theo hướng sinh thái, hữu cơ. Ngoài ra, công đoạn chế biến cà phê cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Hải Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Tropico Tây Nguyên cho rằng, cốt lõi của sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê sạch, cà phê chất lượng cao nằm ở khâu chăm sóc, thu hoạch và sơ chế. Chính vì thế, công ty luôn chú trọng đến sản phẩm cà phê được thu hoạch từ trái chín và được phơi trên giàn phơi, cùng một quy trình phơi đảm bảo kỹ thuật để hàm lượng đường và những hợp chất có lợi thẩm thấu vào hạt cà phê. Hiện nay, để thay đổi văn hóa cà phê trong người dân, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp chuyển giao phương tiện kỹ thuật và kiến thức giúp người dân canh tác theo quy trình khép kín, đưa chất lượng cà phê lên tầm cao mới.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết, sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất cà phê, đặc biệt là cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ; đăng ký chứng chỉ, tiếp cận thị trường, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng liên kết;… Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ lãi suất vốn vay cho những đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ để nâng chất lượng, giá trị cà phê.
Cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai, với sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 ước đạt trên 200.000 tấn, với tổng giá trị khoảng 350 triệu USD. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang tích cực xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất cà phê đặc sản robusta theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Gia Lai đang hướng đến mục tiêu phát triển khoảng 2.300 ha cà phê đặc sản robusta vào năm 2030.
Nguyễn Hoài Nam