Giá tiêu đồng loạt tăng, chỉ trong tháng 9 sẽ xuất khẩu hết lượng hạt tiêu trong nước
Giá hạt tiêu trong nước hôm nay 31/8 tại các khu vực trọng điểm tăng 500 đồng lên mức 69.000 – 72.500 đồng/kg. Sự phát triển của El Nino cùng với hoạt động đầu cơ của người trồng tiêu và các trung gian thị trường sẽ là những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.
Giá tiêu hôm nay 31/8: Giá tiêu trong nước và xuất khẩu đồng loạt tăng
Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng tiêu trọng điểm đồng loạt tăng 500 đồng/kg, dao động trong khoảng 69.000 – 72.500 đồng/kg.
Theo đó, giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 69.000 – 70.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 69.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng ở mức 70.500 đồng/kg.
Giá tiêu tại khu vực Đông Nam bộ dao động trong khoảng từ 70.000 – 72.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai và Bình Phước lần lượt ở mức 70.000 đồng/kg và 71.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở mức 72.500 đồng/kg, vẫn cao nhất cả nước.
Theo nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu thế giới hôm nay có diễn biến như sau: Giá tiêu đen Lampung Indonesia cộng 0,21% lên mức 4.343 USD/tấn. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 chốt tại 3.350 USD/tấn; Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA không đổi ở 4.900 USD/tấn; Giá tiêu đen Việt Nam loại 500 g/l và 550g/l lần lượt ở mức 3.500 USD/tấn và 3.600 USD/tấn; Giá tiêu trắng Muntok tăng 0,21% lên ở 6.573 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Malaysia ASTA giữ vững mức 7.300 USD/tấn; Giá tiêu trắng Việt Nam có mức 5.100 USD/tấn; Giá tiêu GARBLED, UNGARBLED, 500 Gram/lít của Ấn Độ chốt lần lượt ở 66.200 rupee/100kg; 64.200 rupee/100kg và 63.200 rupee/100kg.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8 đạt 16.000 tấn, tăng 4,9% so với tháng 7, nhưng giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 đạt 60 triệu USD, tăng 5,4% so với tháng 7, nhưng giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt 183.900 tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 600 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu trung bình hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 8 tăng tháng thứ 3 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua, đạt 3.748 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 7, nhưng giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu trung bình hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo sản lượng tiêu năm 2023 vào khoảng 190.000-200.000 tấn. Như vậy, chỉ trong tháng 9, sẽ xuất khẩu hết sản lượng trong nước. Do đó, giao dịch hạt tiêu nguyên liệu trên thị trường sẽ ít hơn trong quý IV/2023, và lượng tồn kho từ những năm trước vào khoảng 60.000 tấn sẽ được dùng để xuất khẩu cho đến vụ thu hoạch tiếp theo vào năm 2024, tức vẫn còn 5-6 tháng nữa. Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành hàng tiêu, nguồn cung như vậy là rất thấp.
Về dài hạn, giá tiêu nhiều khả năng sẽ tăng, khi nguồn cung tại các nước tiêu thụ chính như Mỹ và EU cạn dần sau nhiều tháng nhập khẩu dưới mức trung bình. Lạm phát tại nhiều quốc gia đang có xu hướng hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng cũng bắt đầu tăng trở lại.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân bất ngờ lọt vào TOP đầu về xuất khẩu hạt tiêu
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2021-2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng nhập khẩu tiêu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục tiêu từ Việt Nam, chính yếu tố này đã đẩy giá tiêu đi lên trong những tháng đầu năm mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.
Hiện lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên việc mua hàng trong thời gian tới có thể sẽ bị giảm, làm cho giá hồ tiêu khó tăng trở lại, cộng thêm việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Tuy nhiên, đánh giá chung thì việc suy giảm sản xuất liên tục thời gian qua tại một số nước trong đó vụ mùa của Indonesia và Brazil được dự báo thấp hơn năm trước đã dẫn đến giảm mức dự trữ hồ tiêu trên toàn cầu.
Với lượng xuất khẩu hồ tiêu 8 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 9 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, dự báo của ngân hàng thế giới đối với một số nền kinh tế như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. Điều này cũng có thể tác động đến giá cả từ đây đến cuối năm.
Trong xu thế lo ngại chung của tình hình lương thực thế giới nhiều khả năng sẽ thiếu, Ấn Độ đã đưa ra hạn chế cấm xuất khẩu gạo, Nga tuyên bố rút khỏi thoả thuận biển Đen cũng là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường nông sản nói chung và gia vị thế giới nói riêng.
Các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ không có biến động mạnh trong ngắn hạn do tồn kho còn lại ở các nước sản xuất, đặc biệt là ở Việt Nam cũng như ở các nước tiêu thụ, sẽ giúp ổn định giá cả thị trường. Dự kiến trong thời gian tới, nguồn nguyên liệu mới sẽ liên tục được đưa vào thị trường, với vụ thu hoạch ở miền nam Brazil và Indonesia. Nguồn cung vụ mới từ các nước có thể tạo ra một số áp lực bán.
Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc có thể yếu đi trong ngắn hạn, do số lượng lớn nhập khẩu trong những tháng đầu năm. Còn nhu cầu từ Mỹ và EU chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm trong sản xuất dự kiến ở Indonesia và miền nam Brazil sẽ hỗ trợ giá trong thời gian tới. Sự cân bằng cung-cầu, xuất phát từ sự sẵn có của nguồn cung mới và nhu cầu vừa phải có thể giữ giá trong phạm vi giới hạn.
Về dài hạn, giá tiêu nhiều khả năng sẽ tăng khi nguồn cung tại các nước tiêu thụ chính như Mỹ và EU cạn dần sau nhiều tháng nhập khẩu dưới mức trung bình. Lạm phát tại nhiều quốc gia đang có xu hướng hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng cũng bắt đầu tăng trở lại. Về phía cung, sự phát triển của El Nino cùng với hoạt động đầu cơ của người trồng tiêu và các trung gian thị trường sẽ là những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.
Thực tế hiện nay, khối các doanh nghiệp trong VPSA chiếm 60,6% thị phần xuất khẩu hạt tiêu của cả nước và so cùng kỳ giảm 17,4%, trong đó đứng đầu là Trân Châu với 11.066 tấn, chiếm 6,6% và giảm 39,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Nedspice: 10.684 tấn, giảm 3,6%; Olam: 10.214 tấn, giảm 39,4%…
Trong khi đó, khối doanh nghiệp ngoài VPSA xuất khẩu 101.912 tấn hồ tiêu, tăng vọt gấp 3 lần cùng kỳ nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân bất ngờ lọt vào TOP đầu về xuất khẩu hạt tiêu trong 7 tháng năm nay trong khi cùng kỳ không tham gia xuất khẩu như: Đăng Nguyên LS vươn lên vị trí thứ hai về xuất khẩu tiêu của cả nước với 11.467 tấn; Hà Thị Bích Ngọc đạt 7.164 tấn; Lý Hoàng Sơn 5.738 tấn…