Giải pháp ứng phó với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các hộ nông dân đã triển khai mô hình nuôi gia súc có sừng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình ngày càng được mở rộng theo hướng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Qua đó, tạo thu nhập ổn định cho người dân, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi gia súc có sừng vỗ béo nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương và bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp hằng ngày, tuân thủ lịch trình tiêm vắc xin phòng dịch theo định kỳ nên sau lứa nuôi cho thu nhập đáng kể. Tuy vậy, gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30-35%, khiến cho nông dân gặp những khó khăn nhất định.
Tổng đàn gia súc có sừng trên toàn tỉnh trên 373.000 con. Ảnh: Phan Bình
Để duy trì đàn, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, các hộ đã linh hoạt tổ chức lại chăn nuôi theo hướng chú trọng áp dụng kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn nhằm giảm chi phí đầu tư. Anh Lê Tấn Quý, ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo với tổng đàn 250 con, cho biết: Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu chững lại, tôi đã chủ động ký kết với các hộ trồng cỏ, bắp ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) cung cấp thức ăn thô cho bò. Bằng hình thức bổ sung thêm thức ăn thô, chi phí mua thức ăn tinh cho bò giảm được 20%.
Trên thực tế, địa phương nào thực hiện tốt chương trình chuyển đổi cây trồng cạn theo chủ trương của ngành Nông nghiệp thì ít chịu tác động bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng. Điển hình như ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đã thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình triển khai từ năm 2016 với vài ha ban đầu đến nay tăng lên 80 ha. Xã đang khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cỏ, bắp lấy thân vừa phục vụ chăn nuôi tại chỗ, vừa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc, dự kiến sẽ tăng lên 150 ha vào cuối năm nay.
Đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng, ngành chức năng, các địa phương đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi các loại đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ, bắp lấy thân, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất, sử dụng giống cỏ có chất lượng cao như cỏ voi VA06, đầu tư thâm canh để đạt năng suất khoảng 300 tấn/ha/năm.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Để tăng lượng thức ăn thô cho gia súc, các trang trại, hộ gia đình đã tận dụng đất ở những vùng ven đồi, sông, suối, hồ đập, có độ ẩm, có nguồn nước để trồng cỏ. Diện tích cỏ trồng hiện nay khoảng 1.229 ha, sản lượng khoảng 126.390 tấn/năm, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi còn tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, ngọn mía, thân đậu, lá nho, táo… với khối lượng mỗi năm khoảng 94 tấn để cung cấp trực tiếp và chế biến, bảo quản làm thức ăn cho đàn gia súc.