|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giám sát về lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Đức Trọng

Ngày 18/10, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát các nội dung đã phân cấp cho cấp huyện Đức Trọng năm 2022.

 
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Nội dung giám sát gồm các lĩnh vực: Lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản; phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hộ; kinh tế trang trại nông thôn; kinh tế hợp tác xã nông, lâm gắn với ngành nghề, làng nghề ở nông thôn.
 
Theo UBND huyện Đức Trọng, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục có hướng phát triển khá toàn diện theo hướng đa cây, đa con; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng và phát triển; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi phát triển mạnh theo hướng trang trại, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. 
 
Huyện cũng đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, một số ngành nghề truyền thống vẫn được duy trì và bảo tồn như: Bún, phở, đan lát, trồng nấm, dệt thổ cẩm... 
 
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề; từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư đồng bộ. 
 
Mặt khác, huyện cũng chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Đức Trọng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Phát triển các hình thức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao, tỷ lệ liên kết bằng hình thức hợp đồng còn thấp. Việc triển khai xây dựng sản phẩm OCOP còn chậm; chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng nhãn hiệu rau, hoa Đà Lạt. Ngoài ra, vẫn còn để xảy ra hành vi phá rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp...
 
Tại buổi làm việc, huyện Đức Trọng cũng đề xuất một số kiến nghị như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đơn giản hóa thủ tục, chính sách để người dân dễ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết, tiêu thụ nông sản. Có chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản sau thu hoạch; đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, thủy lợi, nước sạch, nhà máy xử lý chất thải rắn, thiên tai...
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết