Giữ hay giảm diện tích đất lúa ĐBSCL (Bài 6): Giữ đất lúa mà nông dân vẫn nghèo thì có nên không?
Xung quanh vấn đề giữ hay giảm diện tích lúa vùng ĐBSCL, phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và PTNT, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt để có thêm ý kiến đa chiều.
Cần thống nhất quan điểm, tầm nhìn về quy hoạch và áp dụng linh hoạt đất lúa
Thưa ông, trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cơ cấu nông nghiệp vùng đã được xác định chuyển đổi từ lúa gạo - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Gần đây, bà con nông dân cũng có xu hướng chuyển đất lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây ăn trái ngày càng nhiều hơn vì thấy trồng lúa kém hiệu quả.
Điều này dẫn đến lo ngại chúng ta sẽ khó giữ được con số 3,5 triệu hecta đất trồng lúa như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra đến năm 2030. Ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?
- Về mặt quản lý Nhà nước, từ năm 2015 chúng ta đã có Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa. Và nghị định này cũng đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Cách đặt vấn đề, tầm nhìn của Nghị định rất linh hoạt, vừa đảm bảo an ninh lương thực của đất nước vừa đảm bảo đời sống người trồng lúa, giúp họ có thu nhập ổn định và tái sản xuất, nhất là nông dân ở khu vực ĐBSCL.
Nhưng ngược lại, đồng thời Chính phủ cũng có những quyết sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng nói riêng để nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.
Điều này dẫn đến câu chuyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó đối với ngành trồng trọt thì chuyển từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản.
Thực tế, thế mạnh của ĐBSCL thể hiện cả ở 3 khía cạnh: Đất trồng lúa thuận lợi làm được 3 vụ; trồng cây ăn trái cũng đem lại hiệu quả cao, đáp ứng cả yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Và đặc biệt, nuôi trồng thuỷ sản cũng là thế mạnh ở khu vực này, cùng là một diện tích đất đó nhưng phát huy hiệu quả kinh tế rất cao.
Nghĩa là ở khu vực này, nhiều diện tích có thể chuyển đổi theo cả 3 hướng. Vấn đề là chuyển đổi làm sao phù hợp với lợi ích từng nhóm đối tượng và đặc thù địa phương.
Cách đặt vấn đề của chúng ta, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL làm sao để nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Có chủ trương chuyển đổi thì nông dân sẽ chuyển đổi theo hướng có kiểm soát. Nhưng vì đòi hỏi phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị, nên ở nhiều nơi, nông dân tự chuyển đổi hẳn một số diện tích đất trồng lúa thu nhập thấp sang nuôi thuỷ sản, trồng cây ăn trái.
Theo tôi, nhà nước đã có chủ trương quy hoạch, thì cần triển khai tổ chức thực hiện theo từng nội dung và đối tượng cây trồng, từ đất trồng ngô lúa đến cây ăn quả, nuôi thuỷ sản.
Từ tầm nhìn quy hoạch đến tổ chức thực hiện quy hoạch của các địa phương cần phải có sự thống nhất, và thực hiện nghiêm túc. Nhưng phải trên cơ sở đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường.
Quan điểm, nhận thức nên thống nhất với nhau như vậy thì mới đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nói chung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng nói riêng.
Vậy quan điểm của ông thì sao, ông ủng hộ việc giữ hay giảm đất lúa?
- Theo tôi, ủng hộ giữ hay giảm thì phải có cách nhìn hết sức thực tế, không nên cứng nhắc giữ bằng được diện tích đất lúa trong khi hiệu quả, thu nhập của người trồng lúa không cao.
Mình cứ khư khư ôm lấy chỗ đất đó, diện tích đó để dẫn tới câu chuyện là làm nghèo người nông dân, trong khi có cơ hội chuyển sang những loại cây trồng có hiệu quả cao hơn, thì tôi nghĩ mình cũng nên làm.
Đương nhiên, việc chuyển đổi này vẫn phải theo quy hoạch để đảm bảo sự thống nhất, đảm bảo cung cầu và an ninh lương thực, tránh hiện tượng cung không đảm bảo cầu hoặc cung vượt quá nhu cầu thị trường.
Giảm rủi ro "kép" cho người trồng lúa
Hiện nay cũng có một số doanh nghiệp cho rằng nên giữ ổn định đất lúa với lí do ĐBSCL có tiềm năng phát triển cây lúa, giữ vị thế xuất khẩu lúa gạo. Nhưng trong khi đó, hàng chục năm qua đời sống người trồng lúa vẫn bấp bênh. Gặp năm mưa lũ, hạn hán thì nông dân vẫn nghèo như thường, ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cung ứng vật tư thì ngày càng giàu lên. Nghịch lý này nói lên điều gì, thưa ông?
- Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân là mối quan hệ gắn kết, phải đảm bảo lợi ích cho cả 2 bên. Còn nếu doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, giữ khư khư vùng lúa nhưng lại ép giá người nông dân, trồng lúa hiệu quả không cao thì cuối cùng, không thể giữ mãi được đất lúa.
Luật Quy hoạch ra đời không thể chạy theo phát triển mục tiêu của một nhóm doanh nghiệp hay một nhóm lợi ích. Tức là quy hoạch phải xây dựng trên lợi ích của một nhóm hàng, phù hợp với điều kiện của vùng, trong đó cần đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp.
Nhìn sang Thái Lan, họ áp dụng chính sách hỗ trợ người trồng lúa rất hiệu quả. Chúng ta cũng đặt ra mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ít nhất 30%, nhưng thực tế hầu hết nông dân trồng lúa không làm giàu được, điều này có vướng mắc ở đâu?
- Từ lâu Chính phủ có chỉ đạo ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đảm bảo lợi ích thu được cho người nông dân ở vùng đất trồng lúa nhằm giúp họ yên tâm phát triển cây lương thực. Nhưng chủ trương đó chưa cụ thể hoá bằng quyết định cụ thể, nên lúc được mùa mất giá, hay rủi ro thiên tai thì người nông dân vẫn luôn phải gánh chịu phần thiệt.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện vẫn thường xuyên gặp cảnh rủi ro "kép", tức là rủi ro cả về thị trường và thiên tai.
Để giảm rủi ro "kép" này, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa mạnh mẽ hơn. Và ngành nông nghiệp cần kiến nghị với Chính phủ làm sao chính sách đó sớm đi vào đời sống, duy trì ổn định, có lợi cho người sản xuất. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ quan trọng khác như bảo hiểm, cơ giới hoá, tích tụ ruộng đất...
Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, an ninh lương thực là vấn đề rất cần quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gay gắt và khó lường. Việc chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng cần bám sát tình hình an ninh lương thực, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo lợi ích của người nông dân.
Vì vậy, tôi vẫn nói rằng chuyển đổi linh hoạt để nếu trong bối cảnh bất thường như thiên tai, dịch hoạ, người nông dân vẫn có thể quay lại trồng lúa.
Tại kỳ họp thứ 2, tháng 11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, trong đó 300.000 ha được chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhưng không làm thay đổi tính chất của đất; có thể trở lại trồng lúa khi cần thiết.
Diện tích đất trồng lúa hiện nay của cả nước là 3,9 triệu ha. Như vậy với Nghị quyết trên, đến năm 2030, đất trồng lúa cả nước giảm gần 350.000 ha.